Chương 9: Đạt được cuộc sống mà bạn mong muốn: Khám phá đam mê, mục đích sống, công việc và sự nghiệp
Người dịch: Nguyễn Thế Anh
Nếu cuộc đời của bạn không bị giới hạn:
- Bạn sẽ sống ở đâu?
- Bạn sẽ làm gì trong thời gian rỗi?
- Bạn sẽ bận bịu với công việc gì?
- Nhà cửa và nơi bạn sống trông như thế nào?
Khi bạn nhìn lại cuộc sống hiện thực của bạn, hãy tự hỏi bản thân hai điều: thứ nhất, bạn có đang tạo nên cuộc đời mà bạn mong muốn? thứ hai, nếu câu trả lời là không, vì sao?
Nói chung, hầu hết Nice Guy mà tôi từng làm việc đều thông minh, siêng năng, và có thực tài. Mặc dù đều đã đạt được những thành công nhất định, hầu hết bọn họ đều chưa khai phá hết tiềm năng của mình, và cũng không tạo ra được cuộc sống mà họ hằng mong ước.
Nice Guys đều quá bận rộn tìm kiếm sự công nhận, giấu giếm điểm yếu, né tránh rủi ro, và làm ngược lại những gì có hiệu quả, hoàn toàn hợp lý khi họ hầu như đều không khai phá hết được tiềm năng. Đây có thể là bi kịch tồi tệ nhất mà hội chứng Nice Guy mang lại – vô số những gã đàn ông tài năng và thông minh lãng phí cuộc sống và đắm mình vào bãi lầy của sự tầm thường.
Nice Guy trong công việc
Hầu hết Nice Guy tìm đến tôi để tìm cách đối phó với Paradigm cuộc sống đang gây ảnh hưởng lên các mối quan hệ thân mật của họ. Những rắc rối trong các mối quan hệ thường che phủ sự thật rằng họ không hề cảm thấy thỏa mãn với công việc, sự nghiệp, hoặc phương hướng cuộc đời của họ nói chung. Thứ động lực giữ chân Nice Guy kẹt lại trong các mối quan hệ không hạnh phúc và hỗn loạn này thường cũng giống như động lực đã trói buộc họ trong những vị trí không mang đến thỏa mãn khác.
Những lí do mà Nice Guy thường không phát huy được hết tiềm năng trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp gồm có:
- Sợ hãi
- Cố làm đúng mọi thứ
- Cố làm tất cả mọi thứ
- Tự hủy
- Nhìn nhận hình ảnh bản thân một cách méo mó
- Có tư duy thiếu thốn
- Kẹt lại trong một hệ thống niềm tin thân thuộc nhưng kém hiệu quả.
Sợ hãi cản trở Nice Guy tìm lấy cuộc sống mà họ hằng mong ước
Nếu phải xác định một yếu tố chung là nguồn cơn của mọi rắc rối mà Nice Guy phải trải qua, nó sẽ là sợ hãi. Hầu hết mọi chuyện mà Nice Guy làm hoặc né tránh đều bị điều khiển bởi nỗi sợ. Suy nghĩ của họ bị điều khiển thông qua các tế bào thần kinh sợ hãi trong não bộ. hành động của họ bị thao túng bởi nỗi sợ.
- Sợ hãi là nguyên nhân Nice Guy không yêu cầu tăng lương mặc dù đã được hứa hẹn từ trước.
- Sợ hãi là nguyên nhân Nice Guy không dám quay lại trường học, trau dồi kiến thức cần thiết để theo đuổi sự nghiệp.
- Sợ hãi là nguyên nhân Nice Guy không dám nghỉ công việc mà anh ta ghét bỏ.
- Sợ hãi là nguyên nhân Nice Guy không dám sống cuộc đời mình muốn sống và làm chuyện mình muốn làm.
Nice Guy sợ phạm sai lầm, sợ thất bại, sợ làm hỏng việc, sợ mất tất cả. Bên cạnh những nỗi sợ thường trực đó là một nỗi sợ đầy nghịch lý, sợ thành công. Nice Guy sợ rằng khi họ thực sự thành công thì:
- Sẽ bị phát hiện ra mình là một kẻ dối trá.
- Không đạt được kỳ vọng của người xung quanh.
- Bị phê bình.
- Không chịu nổi kỳ vọng ngày một tăng.
- Mất kiểm soát cuộc sống.
- Sẽ làm gì đó sai và phá hỏng mọi thành quả trước đó.
Thay vì đối mặt với nỗi sợ – thật hay chỉ là tưởng tượng – Nice Guy luôn chọn cách chỉ thực hiện một phần nhỏ tiềm năng thực sự của họ.
Cố làm đúng mọi thứ cản trở Nice Guy đạt được cuộc sống mong muốn
Bản chất của cuộc sống là thay đổi và tiến hóa. Để quy trình này diễn ra tự nhiên và hoàn thiện trên một cá thể, người đó phải tự nguyện buông bỏ sự kiểm soát. Buông bỏ cho phép sự hỗn loạn ngẫu nhiên và tuyệt đẹp của tạo hóa cộng hưởng trong mỗi cá nhân. Và kết quả là người đó có được một cuộc đời viên mãn, hạnh phúc.
Nice Guy bị ám ảnh phải giữ cho cuộc sống trơn tru và ít biến động. Họ làm việc đó bằng cách “cố làm đúng mọi thứ” và luôn tuân theo “quy tắc”. Nhưng không may thay, chiến lược này hữu hiệu nhất trong việc dập tắt năng lượng sáng tạo. Chiến lược này giết chết niềm đam mê và cản trở Nice Guy bộc phá hết tiềm năng.
- Cố làm đúng mọi thứ cướp đi tính sáng tạo và năng suất của Nice Guy.
- Luôn cố tỏ ra hoàn hảo làm Nice Guy không thể sửa chữa điểm chưa hoàn hảo.
- Tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài làm Nice Guy tầm thường.
- Cố gắng che giấu sai lầm và điểm yếu ngăn cản Nice Guy mạo hiểm hay thử làm gì mới.
- Luôn tuân thủ luật lệ khến Nice Guy cứng nhắc, đa nghi và luôn sợ hãi.
Bởi vì những giới hạn tự áp đặt này mà Nice Guy luôn không thỏa mãn, nhạt nhẽo và không hạnh phúc với cuộc sống và công việc.
Cố tự làm mọi thứ cản trở Nice Guy đạt được cuộc sống mình mong muốn
Khi còn trẻ thơ, Nice Guy thường không được đáp ứng nhu cầu một cách kịp thời, đúng đắn. Một số bị ngó lơ, một số bị lợi dụng, số khác bị lạm dụng và thậm chí bị bỏ rơi. Họ lớn lên với ý tưởng nếu họ muốn có điều gì thì phải tự làm lấy.
Hậu quả là, Nice Guy là một người nhận tồi. Họ sợ hãi mỗi khi cần được giúp đỡ. Họ khổ sở khi được giúp đỡ. Họ luôn cảm thấy khó khăn khi phải nhờ vả người khác.
Vì họ tin rằng bản thân cần phải làm tất cả, Nice Guy hiếm khi khai phá hết được tiềm năng. Không có ai giỏi mọi phương diện và thành công mà không có sự giúp đỡ của người khác. Nice Guy tin rằng họ phải làm được. Họ có thể biết mọi thứ, nhưng chả thành thạo trong lĩnh vực nào cả. Điều kiện thời thơ ấu này đảm bảo Nice Guy sẽ không bao giờ cống hiến hoàn toàn trong một lĩnh vực nào cả.
Tự hủy ngăn cản Nice Guy đạt được cuộc sống mong ước
Vì sợ hãi thành công, Nice Guy là chuyên gia tự hủy. Họ hủy hoại thành công của chính họ bằng cách:
- Lãng phí thời gian.
- Viện cớ.
- Không hoàn thành công việc.
- Luôn quan tâm người khác.
- Có quá nhiều dự án cùng một lúc.
- Kẹt trong mối quan hệ phức tạp.
- Chần chừ.
- Không đặt ra giới hạn.
Nice Guy nói chung khá giỏi, nhưng chỉ vừa đủ. Nhưng để trở nên tuyệt vời – để vươn lên đỉnh cao – sẽ đưa đến cuộc đời họ những sự chú ý và soi xét không mong muốn. Ánh sáng rực rỡ của thành công đe dọa sẽ làm lộ ra cái bóng tự nhận thức đầy sai sót và rạn nứt.
Hậu quả là, Nice Guy tìm ra rất nhiều cách tự hủy vô cùng sáng tạo để giữ bản thân không bao giờ quá thành công. Nếu không làm, thì không sai. Nếu dự án chưa hoàn thành, thì đâu có ai phán xét. Nếu có quá nhiều việc cần làm cùng một lúc, thì đâu cần phải làm thật tốt cái nào. Nếu họ có những lí do bao biện phù hợp, thì có ai đặt kỳ vọng gì ở họ.
Tự nhìn nhận hình ảnh bản thân một cách méo mó ngăn cản Nice Guy đạt được cuộc sống mong ước.
Bởi vì tuổi thơ không được đáp ứng nhu cầu đúng hạn và đúng cách, Nice Guy dần phát triển góc nhìn méo mó về bản thân. Với tư duy ngây thơ và non nớt, họ đưa ra kết luận rằng nếu những nhu cầu của họ không quan trọng, thì bản thân họ cũng vậy. Đây là nguồn cơn của Toxic Shame mà Nice Guy sở hữu. Tận sâu trong đáy lòng, tất cả Nice Guy tin rằng mình không quan trọng hoặc không đủ tốt.
Nếu Nice Guy còn phải chăm sóc cha mẹ quá phán xét, dựa dẫm hay phụ thuộc, Nice Guy sẽ sở hữu sự hổ thẹn vô lý (Toxic Shame) nặng gấp đôi. Đứa trẻ tin rằng chúng bắt buộc phải thỏa mãn bậc phụ mẫu hay phán xét, giải quyết vấn đề của cha mẹ trầm cảm, và đáp ứng được yêu cầu của bậc phụ huynh kiểm soát. Nhưng thật không may, anh ta không thể nào làm được.
Kết quả của sự bất lực trong việc giải quyết vấn đề, làm vừa lòng, hay chăm sóc cha mẹ là Nice Guy phát triển cảm giác hụt hẫng sâu trong đáy lòng. Họ tin rằng họ phải làm được. Mặc dù vậy họ luôn không thể làm đúng hoặc đủ tốt – mẹ của anh ấy vẫn trầm cảm, cha của anh ta vẫn phán xét.
Cảm giác thiếu sót và khiếm khuyết được nội tại hóa lớn dần khi Nice Guy trưởng thành. Nhiều Nice Guy cố bù đắp khiếm khuyết này bằng cách cố làm đúng mọi thứ. Họ hi vọng rằng làm như vậy, không ai sẽ biết được con người của Nice Guy khiếm khuyết thế nào. Con những gã Nice Guy khác chỉ đơn giản là bỏ cuộc ngay lập tức.
Cảm giác khiếm khuyết này ngăn cản Nice Guy thể hiện, đoạt lấy cơ hội, hoặc thử làm điều gì mới. Nó giam cầm Nice Guy trong cái vỏ cũ kỹ, không bao giờ để Nice Guy nhận ra mình tài năng và thông minh đến thế nào. Mọi người xung quanh đều thấy tiềm năng của gã, nhưng cái paradigm méo mó từ thời trẻ thơ không bao giờ để họ nhìn rõ tiềm năng và kỹ năng mà họ có.
Kết quả của sự tự nhìn nhận méo mó này tạo ra một paradigm cấu thành từ cảm xúc và nhận thức. Cái nắp đậy vô hình này nhốt Nice Guy lại, không để họ khám phá được tiềm năng của bản thân. Nếu họ cố ngoi lên, họ sẽ đập đầu vào kính và bị đẩy về khu vực an toàn quen thuộc.
Tư duy thiếu thốn ngăn cản Nice Guy đạt được cuộc sống mong ước
Không được thỏa mãn nhu cầu khi còn thơ ấu tạo nên niềm tin trong tâm thức Nice Guy rằng thế giới không có đủ những gì họ cần để sống tốt. Trải nghiệm thiếu thốn này trở thành lăng kính mà Nice Guy nhìn đời.
Paradigm của sự thiếu thốn này làm Nice Guy trở thành những kẻ ham muốn kiểm soát và thao túng. Nó làm Nice Guy tin rằng họ tốt nhất nên bám víu vào những gì họ đang có và đừng chộp lấy cơ hội. Nó dẫn đến việc Nice Guy ghét bỏ những người có thứ mà Nice Guy thiếu.
Bởi những suy nghĩ mang tính thiếu thốn này, Nice Guy rất nhỏ nhen. Họ không tin rằng bản thân xứng đáng có được cuộc sống tốt đẹp. Họ tìm mọi cách để đảm bảo thế giới quan của họ không bao giờ bị thử thách. Họ chấp nhận rác rưởi và nghĩ rằng đấy là những gì họ đáng được nhận. Họ dựng lên đủ mọi lý lẽ để giải thích tại sao họ sẽ không bao giờ đạt được thứ mình mong muốn. Bởi những niềm tin luôn có xu hướng tự hoàn thành chính nó, Nice Guy hiếm khi sống đúng với tiềm năng và đạt được những gì họ mong muốn trong cuộc sống.
Mắc kẹt trong những hệ thống niềm tin rối loạn nhưng quen thuộc ngăn cản Nice Guy có được cuộc sống họ muốn
Như đã đề cập ở chương trước, hai yếu tố chính ngăn cản Nice Guy đạt được những gì họ muốn trong tình yêu; điều đầu tiên là họ luôn cố xây dựng lại mối quan hệ thân thuộc, nhưng không thỏa mãn. Họ tìm kiếm bạn đời có thể giúp họ tạo nên mối quan hỗn loạn mà họ đã trải qua khi còn bé. Và những gã này luôn tự nhìn nhận bản thân là nạn nhân cho sự rối loạn của người bạn đời. Nice Guy không nhận thức được rằng họ bị cuốn hút bởi những người như thế này là có lý do của nó.
Thứ hai, Nice Guy hiếm khi nào được trải nghiệm mối quan hệ mà họ mong muốn vì họ luôn là người kết thúc tồi. Khi một người có tinh thần khỏe mạnh quyết định bước ra khỏi một mối quan hệ, thì Nice Guy cứ tiếp tục bấu víu, thử đi thử lại cùng một phương pháp với kì vọng phép màu sẽ diễn ra.
Trong công việc Nice Guy cư xử cũng không khác mấy. Họ bị thu hút bởi những tình huống công việc cho phép họ tái hiện lại vai trò, mối quan hệ hay luật lệ hỗn loạn mà họ từng trải qua. Họ luôn có tư tưởng xem mình là nạn nhân, vô vọng trong những tình huống này. Hiếm khi nào họ nhận ra rằng vì sao họ cần những hệ thống như vậy và họ hoàn toàn có thể rời bỏ chúng.
Vô thức lặp đi lặp lại những khuôn mẫu quen thuộc trong công việc và sự nghiệp khiến Nice Guy mắc kẹt và không cảm thấy thỏa mãn. Trong khi kéo dài sự hỗn loạn của tuổi thơ, họ hiếm khi nào thực sự mong muốn hoặc cố gắng vươn lên đỉnh cao trong lĩnh vực mà họ chọn.
Nhận ra đam mê và tiềm năng
Tôi thường nói với những thành viên trong nhóm No More Mr. Nice Guy! rằng mục tiêu của tôi là tất cả mọi người sau khi rời nhóm đều là một triệu phú. Tuyên bố này thực ra không liên quan mấy đến tiền bạc – tuyên bố này hướng đến khám phá ra niềm đam mê và khai phá trọn tiềm năng.
Như đã nói ở trên, những người mà tôi từng tư vấn nói chung đều là những người đàn ông thông minh và tài năng. Khi họ đang phục hồi từ triệu chứng Nice Guy, những quý ông này bắt đầu chấp nhận bản thân. Sự chấp nhận bản ngã như chính nó cho phép họ tiếp cận đam mê và đối mặt với sợ hãi.
Hệ thống nhìn nhận bản thân và thế giới chuẩn xác hơn cho phép sự phong phú của vũ trụ chảy tự do vào cuộc sống của họ. Đôi lúc nguồn năng lượng này chảy dưới dạng tiền bạc, lúc khác lại là tình yêu, có khi lại là tình dục. Đôi lúc nó lại là ánh sáng rực rỡ của danh vọng. Và có thể là tất cả những gì nói trên hợp lại.
Phần còn lại của chương này giới thiệu về chiến lược để thoát kiếp Nice Guy và bộc phá toàn bộ tiềm năng. Những trang kế tiếp trình bày chiến lược đã giúp rất nhiều Nice Guy phát hiện ra đam mê và sống trọn với tiềm năng mà họ có. Và nó cũng sẽ giúp bạn làm điều tương tự.
Đối diện nỗi sợ cho phép Nice Guy đạt được cuộc đời mà họ mong muốn
Charlie là hình mẫu tiêu biểu cho những gã Nice Guy không có đam mê cũng như thành tựu. Lần đầu tiên tôi gặp Charlie, anh ta đang bị kẹt trong công việc mà anh ghét cay ghét đắng và sống một cuộc đời tầm thường và sợ hãi. Charlie đã có bằng kỹ sư vài năm về trước, dù vậy anh vẫn làm công việc mà anh đã làm từ thời sinh viên. Quản lý của Charlie hứa hẹn sẽ thăng chức sau khi anh tốt nghiệp. Và khi tay quản lý thất hứa, Charlie chỉ nén cơn giận và tiếp tục làm ở vị trí cũ.
Niềm đam mê duy nhất của Charlie là được bay lượn, mặc dù anh thường được mẹ anh cảnh cáo về những thảm họa có thể xảy ra, anh bắt đầu tham gia các khóa học phi công sau khi hoàn thành đại học. Tuy rằng Charlie luôn mơ ước có được tấm bằng phi công, anh dường như chưa bao giờ hoàn thành những yêu cầu cần thiết để đạt được mục tiêu.
Website của tôi được giới thiệu tới Charlie thông qua một người đồng nghiệp của anh. Và anh ấy đã sững sờ khi đọc miêu tả của tôi về Nice Guy. Anh ấy không hiểu được làm cách nào mà lại có người hiểu anh đến vậy. A mất sáu tháng để hạ quyết tâm gửi email cho tôi và hai tháng nữa để gửi email kế tiếp. Ngay từ lần đầu Charlie nhìn thấy website, anh ấy biết rằng mình cần phải tham gia nhóm, nhưng ý tưởng thể hiện mặt dễ tổn thương làm anh ấy sợ hãi.
Và ngay giây phút đó, anh đưa ra quyết định dẫn tới bước ngoặt cuộc đời. Charlie quyết định nếu cái gì làm anh sợ hãi đến run bắn lên, thì a phải đối mặt với nó. Lúc đó anh chưa nhận ra rằng quyết định này là khởi đầu của một hành trình tuyệt vời dẫn Charlie tái khám phá niềm đam mê và mục tiêu sống.
Một năm sáu tháng sau đó, Charlie sống với tôn chỉ: nếu anh ấy sợ cái gì, thì anh phải đối diện với nó. Charlie tiến triển dần dần, cứ như là anh ấy tập bò trước khi tập đi vậy. Anh ấy thực hiện từng bước nhỏ một trước khi anh có thể chạy. Và một khi anh ấy đã bắt đầu, thì không còn gì có thể ngăn cản anh ấy.
Trong suốt khoảng thời gian mười tám tháng Charlie đã thực hiện rất nhiều bước để tái khám phá niềm đam mê và mục đích sống.
Anh dần trở nên năng động hơn trong nhóm thực hành No More Mr Nice Guy!, bộc lộ bản thân và đối diện với những thành viên khác.
Anh dần tìm hiểu về trải nghiệm bị bỏ rơi và nỗi sợ hãi anh nhận từ gia đình khi còn bé.
Anh yêu cầu cha mình đến tư vấn, anh đối diện với ông ấy và nói về vấn đề vì sao ông ấy luôn không sẵn sàng bên anh cũng như thiếu quan tâm tới đứa con trai khi còn thơ bé.
Anh thôi đổ lỗi cho bạn gái khi không có đủ tiền đăng ký học khóa phi công.
Anh đổi trường khi ngôi trường hiện tại không thể cung cấp cho anh hướng dẫn và trang thiết bị cần thiết.
Anh bắt đầu ứng tuyển vào những vị trí công việc yêu cầu bằng kỹ sư.
Anh ấy đối diện với cảm giác bất cập, thông điệp truyền trong gia đình rằng hãy luôn chọn con đường an toàn, và thiếu niềm tin rằng anh đủ giỏi để làm kỹ sư.
Anh thi lái máy bay và nhận bằng phi công.
Anh đồng ý để nhóm chúng tôi tổ chức sinh nhật tại nhà hàng cho anh ấy, và anh đã đối mặt với nỗi sợ mình là trung tâm của sự chú ý.
Anh ấy được nhận vào một công ty kỹ thuật mà ở đó, họ thể hiện niềm tin rằng anh tài giỏi, tiềm năng và có thể cống hiến cho công ty.
Khi Charlie kể với nhóm về việc được nhận vào công ty kỹ thuật, tôi nhận ra rằng mình đang chứng kiến sự lột xác ngoạn mục. Charlie từ một gã Nice Guy sống nội tâm, sợ hãi và ù lì giờ đã trở thành một người đàn ông với niềm đam mê và mục tiêu sống.
Tôi đề nghị Charlie gửi email cho tôi về mô hình thành công của anh ấy. Đây là những gì anh ấy đã viết:
Bob,
Đây là mô tả sơ lược những gì tôi làm đã dẫn tôi đến công việc mơ ước này,
- Điều đầu tiên để thay đổi là tôi phải từ bỏ tâm lý nạn nhân.
- Khởi đầu với việc đặt giới hạn, ban đầu chỉ là những giới hạn nhỏ và từ từ lớn dần lên.
- Từ việc đặt giới hạn và được tôn trọng, tôi bắt đầu có niềm tin vào bản thân hơn.
- Tôi bắt đầu chân thật hơn.
- Tin tưởng rằng tôi đã là một người trưởng thành, tôi được giáo dục và tôi hoàn toàn đủ điều kiện để đảm nhận vai trò kỹ sư công nghiệp.
- Tôi luôn biết rằng sếp cũ của tôi là một kẻ rối loạn chức năng và đó là lý do tôi cảm thấy dễ chịu khi làm việc với hắn. Sau khi tôi nhận ra và chấp nhận rằng tôi không cần một hệ thống như vậy để tồn tại, tôi đã có thể bước tiếp.
Charlie
Bài thực hành số #40
Nhìn vào danh sách bên dưới. Chọn một vật và nói ra một nỗi sợ hữu hình của bạn. Viết ra cách mà bạn sẽ đối diện với nỗi sợ đó. Và bắt đầu từng bước nhỏ hướng tới đối diện với nỗi sợ. Nhờ ai đó động viên và hỗ trợ bạn. Đừng thử hoạt động này một mình.
Nhớ rằng, dù có chuyện gì xảy ra, bạn sẽ xử lý được.
Yêu cầu tăng lương hoặc thăng chức.
Bỏ công việc không thỏa mãn.
Bắt đầu kinh doanh.
Đi học lại.
Đối diện với tình huống va chạm.
Quảng bá một ý tưởng mà bạn nghĩ ra.
Theo đuổi mục tiêu của cuộc đời bạn.
Dành nhiều thời gian hơn cho sở thích cá nhân.
Tự vạch ra con đường của riêng mình cho phép Nice Guy có được cuộc đời mình mong muốn
Hầu hết mọi người – trong đó có Nice Guy – đều không có ý thức rằng tạo ra cuộc đời họ mong muốn là trách nhiệm của bản thân họ. Hầu hết đều chấp nhận cuộc sống hiện tại và cư xử như thể họ không có tí khả năng nào để xây dựng cuộc sống hào hứng, năng suất và viên mãn.
Khi tôi trò chuyện với Nice Guy về việc nhận lấy vai trò lèo lái cuộc đời của mình, họ đều gặp khá nhiều khó khăn để hiểu ý tôi. Ý tưởng này đơn giản là không phù hợp với lăng kính của họ, họ luôn cho rằng mình không thể đưa ra lựa chọn và hành động để biến những lựa chọn đó thành hiện thực.
Tôi khuyến khích mấy cậu hình dung ra cuộc đời mà ở đó họ được làm việc mà mình thích và được trả tiền cho việc đó. Họ đều cảm thấy rất khó hiểu. Họ cư xử như thể tôi ép họ tin vào truyện cổ tích vậy. Thông thường, họ sẽ bác bỏ ý tưởng này bằng cách thoái thác, “Không phải ai cũng may mắn như ông (ý nói tác giả) có một công việc mà mình yêu thích và được trả lương cao cho nó.” Có một thời gian, tôi chấp nhận lời biện hộ này, cho đến khi tôi nhận ra rằng cuộc sống của tôi không có liên quan gì đến may mắn cả.
Để có được tấm bằng Ph.D yêu cầu tôi hiểu rõ lựa chọn của bản thân, kiên trì và chăm chỉ – không phải may mắn.
Thực hành tư vấn yêu cầu tôi đối mặt với nỗi sợ, bước ra khỏi vùng an toàn, từ bỏ công việc lương ổn định, chấp nhận hi sinh, làm thêm để có tiền trả hóa đơn, thử và sai, và cắn răng sống qua giai đoạn nghèo khổ – không phải may mắn.
Phát triển kĩ năng trong ngành trị liệu yêu cầu cam kết vào phát triển bản thân, liên tục tiến bộ, và đầu tư tài chính vào quá trình trị liệu của tôi – không phải may mắn.
Viết sách, xây dựng website, và phát hành sách yêu cầu sự kiên trì và đối đầu với vô số nỗi sợ – không phải may mắn.
Tôi không có gì đặc biệt cả. Tôi là một con người bình thường với tài năng bình thường. Tôi có rất nhiều nỗi sợ tương tự như những chàng Nice Guy mà tôi đã trị liệu. Tôi không sở hữu một kĩ năng nào đặc biệt hay kĩ năng hiếm nào mà hầu hết bệnh nhân của tôi không có.
Vậy điểm khác biệt nằm ở đâu?
- Tôi đưa ra quyết định đối mặt với nỗi sợ một cách có ý thức.
- Tôi từ chối cuộc đời tầm thường một cách có ý thức.
- Tôi đưa ra luật lệ cá nhân một cách có ý thức.
Hãy nghĩ về những người mà bạn tôn trọng hoặc xem là hình mẫu. Hầu hết họ đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng và xây dựng nên một cuộc sống thú vị, ý nghĩa và đầy đam mê. Họ tự vạch ra con đường của riêng họ. Vậy điều gì làm họ khác biệt? Hầu hết họ đều là những con người bình thường nhưng dám nhận lấy trách nhiệm lèo lái cuộc đời của riêng họ.
Tôi có tin vui cho bạn đây – Nếu họ làm được, thì bạn cũng làm được. Đây là câu nói mà tôi thích nhất chuyện mà một người làm được, thì người khác cũng làm được. Nghĩ thử xem – nếu người khác đã giành quyền tự chủ và tạo dựng cuộc đời đáng ngưỡng mộ, thì bạn cũng có thể làm được. Và thứ duy nhất cản trở bạn có được cuộc đời mong ước chính là bạn. Đã đến lúc tự vạch ra đường đi riêng, đặt ra luật lệ riêng, và biến ước mơ của bạn thành hiện thực.
Bài thực hành số #41
Bạn thực sự muốn gì? Điều gì cản trở bạn biến điều đó thành sự thật? Viết ra 3 điều mà bạn muốn có trong đời. Sau đó viết ra lời khẳng định rằng bạn sẽ làm bằng được, dán nó ở nơi mà bạn dễ dàng nhìn thấy. Chia sẻ ước mơ và lời hứa của bạn tới những người mà bạn tin tưởng.
Từ bỏ việc cố gắng làm đúng mọi thứ cho phép Nice Guy có được cuộc sống mà họ mong muốn.
Quyển sách này bắt đầu bằng vài chương đầu tôi viết cho những thành viên trong nhóm No More Mr. Nice Guy! đầu tiên của tôi. Dần dần, quyển sách này trở thành hiểu biết của tôi về hội chứng Nice Guy. Khách hàng và gia đình của họ đều đề nghị tôi hãy viết thành một quyển sách hoàn chỉnh. Ý tưởng tuyệt vời này là một sự phát triển hoàn hảo cho những gì tôi đang làm.
Và ở thời điểm đó có gì đó đã thay đổi. Thay vì chỉ là bài viết phân tích và mô tả dành cho một vài khách hàng nhất định, nỗ lực của tôi hướng vào việc viết ra quyển sách xứng đáng được xuất bản và phân bố rộng rãi. Mọi người xung quanh bắt đầu nói với tôi về “bestseller,” “Oprah,” và”Làm giàu.”
Quyển sách này ban đầu chỉ được viết với niềm đam mê bắt đầu trở nên nặng nề vì những kỳ vọng của những người xung quanh tôi. Và để thỏa mãn chuẩn mực mà họ đặt ra, quyển sách của tôi phải thật tốt, không, không chỉ tốt – nó phải hoàn hảo!
Với tư tưởng đó, tôi đã lao động quần quật suốt 6 năm để hoàn thiện quyển No More Mr. Nice Guy! mà bạn đang đọc. Câu mà bạn bè và người thân thường hay hỏi tôi nhất là “Khi nào thì anh viết xong quyển sách?”
Qua nhiều năm, bản thảo đã trải qua ít nhất ba lần sửa đổi lớn cũng như vô số lần chỉnh sửa nhỏ. Nhiều yếu tố khác nhau góp phần kéo dài thời gian hoàn thành sách, nhưng yếu tố đầu tiên đó là vì tôi nghĩ rằng quyển sách phải hoàn hảo. Tôi cứ cho rằng quyển sách phải hoàn hảo mới có thể đem đi xuất bản. Tôi cứ cho rằng quyển sách phải hoàn hảo để người đọc bỏ tiền ra mua. Tôi cứ cho rằng quyển sách phải hoàn hảo để có thể giúp ai đó.
Không may thay, nhận thức sai lầm thô thiển này đưa đến nhiều hậu quả: Tôi tin rằng mình phải viết mọi thứ mình biết về hội chứng Nice Guy! Bản thảo đầu tiên của tôi phải dài gấp 4 lần bản hiện tại. Tôi tin rằng mình phải là tác giả có tài hùng biện. Tôi tin rằng từng câu văn phải được trau chuốt hoàn hảo.
Tôi tìm đến nhà trị liệu tâm lý để tìm hiểu vì sao tôi không thể hoàn thành tác phẩm của mình. Mấy đứa con của tôi dần trở nên vỡ mộng, chúng cho rằng tôi sẽ không bao giờ hoàn thành sách. Vợ tôi nửa đùa nửa thật về việc bỏ tôi nếu tôi viết không xong quyển sách.
Cuối cùng, sau nhiều năm trắc trở, tôi đã vượt qua được. Một người rất thông thái đã bảo với tôi rằng hãy cho phép bản thân được quyền không bao giờ xuất bản sách. Tôi ngay lập tức cảm thấy như được giải thoát.
Tôi nhận ra một điều rằng mình đã đi lệch hướng khỏi mục tiêu ban đầu – viết về những phân tích của tôi nhằm giúp vài gã Nice Guy sống cuộc đời viên mãn hơn. Sau khi tôi từ bỏ gánh nặng của việc xuất bản sách, trở thành tác giả best-seller, và xuất hiện trên show của Oprah, mọi thứ liền thay đổi. Tôi quay về với tư duy ban đầu. Từ đó mỗi lần tôi bắt đầu viết, tôi chỉ tự hỏi bản thân một câu: “Liệu những dòng này có giúp đọc giả tìm ra câu trả lời cho vấn đề của họ không?” Tôi cũng nhắc nhở bản thân rằng tôi sẽ không giúp ai có được lợi ích gì nếu tôi không bao giờ hoàn thành quyển sách.
Sau khi tôi từ bỏ niềm tin rằng No More Mr. Nice Guy! phải là quyển sách hoàn hảo, mọi thứ dần trở về đúng quỹ đạo của nó. Tôi hoàn thành sách. Khách hàng bảo với tôi rằng quyển sách đã thực sự thay đổi cuộc đời họ. Những nhà trị liệu tâm lý khác liên hệ và đề nghị gửi sách cho khách hàng của họ. Các talkshow trên radio, báo đài bắt đầu liên hệ và đề nghị phỏng vấn. Tôi thuê quản lý. Nhiều nhà xuất bản tìm đến tôi.
Cố gắng làm đúng mọi thứ hút cạn sinh lực của No More Mr. Nice Guy! Từ bỏ tư duy ấy và chấp nhận rằng quyển sách chỉ cần “đủ tốt” đã giải phóng và cho phép tôi viết với đam mê và tạo ra sản phẩm có giá trị vượt thời gian. Và quy luật này cũng áp dụng với mọi khía cạnh cuộc sống khác trong cuộc đời của Nice Guy.
Bài thực hành số #42
Chủ nghĩa hoàn hảo và tư duy phải làm đúng mọi thứ đã cản trở bạn nhận ra niềm đam mê và tiềm năng của bạn như thế nào? Hãy chọn một việc mà bạn đã luôn muốn làm: Viết sách, sinh ra lợi nhuận từ đam mê, dọn đi nơi khác, đi học lại, phát triển tài năng….
Giờ hãy tự hỏi bản thân: Nếu bạn biết trước rằng những nỗ lực hiện tại sẽ mang tới thành công, bạn còn chần chừ nữa không? Điều này có giải phóng bạn khỏi niềm tin rằng mình phải làm mọi thứ hoàn hảo không? Điều này có tạo động lực để bạn bắt đầu hay hoàn thành điều mà bạn đã bắt đầu trước đó không? Bạn có sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu bạn biết trước rằng có thế nào thì bạn cũng không thất bại?
Đợi gì nữa hả Nice Guy? Quẳng cái chủ nghĩa hoàn hảo đó sang một bên và bắt tay vào biến ước mơ thành sự thật đi!
Học cách nhờ vả giúp Nice Guy có được cuộc sống mong muốn
Một lý do khá lớn khiến Nice Guy không khai phá hết được tiềm năng là do họ luôn tin rằng tự bản thân họ phải làm mọi thứ. Phil là một ví dụ điển hình.
Mục tiêu sống của Phil là trở nên giàu có. Anh ấy dường như đã có hầu hết mọi tố chất: điển trai, thông minh, hướng ngoại và vui tính. Mặc dù vậy anh vẫn luôn thất bại và không thể đạt được mục tiêu và ước mơ của mình. Rất nhiều thứ cản trở anh – luôn muốn đi đường tắt, trì hoãn, và bất an mỗi lần anh muốn bắt vào hiện thực hóa ước mơ.
Tuy nhiên chướng ngại lớn nhất của Phil có lẽ là anh cảm thấy rất khó khăn mở miệng nhờ người khác giúp đỡ. Phil có rất nhiều niềm tin sai lầm về những người sẵn lòng giúp anh. Anh không tin rằng mình xứng đáng đạt được những gì mình muốn. Anh cũng không tin rằng mong muốn của anh cũng quan trọng đối với những người thân thiết. Anh ấy tin rằng yêu cầu trợ giúp một cách thẳng thắn sẽ không bao giờ giúp anh đạt được mục tiêu.
Một ngày nọ, khi đang sinh hoạt trong nhóm, Phil bắt đầu than thở về việc không được ân ái với vợ. Tôi hỏi Phil liệu anh có nhắc đến chuyện chăn gối với vợ hay không. Và anh ấy trả lời “Không.” Tôi lại hỏi anh ấy có cho rằng vợ anh cũng muốn mây mưa cùng anh, và câu trả lời cũng tương tự như câu hỏi trước.
Tôi giải thích với Phil rằng việc anh không được ân ái là triệu chứng của một vấn đề còn lớn hơn nữa – đó là anh không cho rằng những nhu cầu của bản thân là quan trọng, và anh cũng không tin rằng những người xung quanh anh cũng sẵn sàng giúp đỡ anh khi cần. Tôi giải thích với anh rằng thay đổi niềm tin về nhu cầu tình dục của anh có thể là bước đầu để thay đổi niềm tin cố hữu đang cản trở anh đạt được những mục tiêu khác.
Tuần kế tiếp, Phil xuất hiện với nụ cười ngoác tới mang tai. “Tôi và vợ quật nhau tung nóc rồi” anh ta cười lớn. Cả nhóm cùng hò reo với anh. Và họ rất tò mò anh đã làm thế nào để thuyết phục được cô vợ. “Thì tôi chỉ hỏi thôi,” Phil trả lời một cách thật đơn giản.
Tôi hỏi vợ anh cảm thấy thế nào khi quan hệ với anh. “Cô ấy ổn,” anh đáp. “Vợ tôi nói rằng cô ấy thích mây mưa với tôi, nhưng lâu quá mà tôi không nói gì làm cổ tưởng tôi không có hứng thú.”
Tuần sau đó, Phil nói với chúng tôi rằng anh ấy đang lo sợ phải mở miệng mượn tiền cha vợ để sửa cửa sổ. Một vài thành viên bắt đầu hỏi về chi phí. Một số khác chia sẻ họ từng sửa cửa sổ rồi. Tôi gợi ý Phil nhờ các thành viên trong nhóm giúp đỡ. Đối với anh mở miệng xin giúp đỡ khó như lên trời vậy, nhưng cuối cùng Phil cũng nhờ các thành viên khác giúp. Và dĩ nhiên chúng tôi rất sẵn lòng. Một tháng sau đó cả nhóm tụ họp lại nhà Phil và chúng tôi cùng nhau giúp anh ta thay cửa sổ.
Hai trải nghiệm vừa rồi có tác động to lớn đến Phil. Anh bắt đầu nhận ra rằng nhu cầu của anh cũng quan trọng, và những người xung quanh anh cũng sẵn lòng giúp đỡ, và cách chắc chắn nhất để được giúp là mở miệng hỏi.
Phil bắt đầu xây dựng lăng kính mới. Và tuần sau anh chia sẻ với nhóm về kế hoạch kinh doanh của riêng anh. Một người quen của gia đình anh đề nghị giúp trong việc kinh doanh kiến trúc cảnh quan của anh. Mối làm ăn tiềm năng này làm anh rất phấn khởi bởi vì đây là mối kinh doanh mang tính thời vụ, cho phép anh dạy trượt tuyết vào mùa đông – hoàn thành ước mơ cuộc đời anh.
Một người bạn cũ đề nghị hỗ trợ tài chính cho anh. Vợ anh tình nguyện tìm một công việc có nhiều quyền lợi bảo hiểm y tế. Các thành viên trong nhóm đề nghị lên kế hoạch kinh doanh và giúp anh tìm kiếm khách hàng.
Nếu Phil vẫn cứ tiếp tục cố làm mọi thứ một mình, sẽ rất khó cho anh để đạt được điều mình mong muốn. Một khi anh nhờ vả và để người khác giúp đỡ, cuộc đời anh liền chuyển hướng. Giờ đây Phi đang đi đúng hướng để tạo ra cuộc đời và công việc mà anh hằng mong ước.
Bài thực hành số #43
Bạn có tin rằng nhu cầu của bạn cũng quan trọng không? Bạn có tin rằng những người xung quanh cũng muốn giúp bạn không?
Lấy một tờ giấy và cây viết ra, liệt kê tất cả những người sẵn lòng giúp đỡ bạn hiện tại. Họ có thể là những chuyên gia như bác sĩ, luật sư, nhà tâm lý trị liệu, kế toán công. Sau khi đã hoàn thành trả lời những câu hỏi sau:
- Bạn cần những loại người nào giúp đỡ bạn?
- Bạn sẽ nhờ vả họ những gì để đạt được hiệu quả cao nhất?
- Làm cách nào để bạn ngăn cản những người này giúp bạn?
Tìm cơ hội nhờ vả họ. Mở rộng mạng lưới quan hệ. Trước khi nhờ giúp đỡ, lặp lại câu sau đây: người này sẵn lòng giúp đỡ tôi đạt được những gì tôi muốn.
Nhận diện những hành vi tự hủy cho phép Nice Guy tìm được cuộc sống mình mong muốn
Như đã nói ở chương trước, Nice Guy có rất nhiều cách tự hủy vô cùng sáng tạo. Họ lãng phí thời gian, lãng tránh, bắt đầu nhưng không bao giờ hoàn thành công việc, dành thời gian để xử lý rắc rối của người khác, đánh lạc hướng bản thân bằng những theo đuổi vụn vặt, tự tạo ra hỗn loạn, và luôn luôn thoái thác.
Sal là một ví dụ điển hình. Sal được nuôi dạy bởi một người cha thụ động và người mẹ mắc chứng tâm thần phân liệt. Cả 2 đều không có đủ khả năng để quan tâm và đáp ứng nhu cầu khi anh ta cần. Thời niên thiếu cậu phải chịu trách nhiệm lo lắng cho đứa em trai. Tuổi thơ hoàn toàn không cho phép Sal có lựa chọn nào cả. Khi anh cảm thấy sợ hãi hay quá tải, anh chỉ biết cúi đầu và lê bước tiến về phía trước với quyết tâm bền bỉ.
Khi trưởng thành, Sal làm việc tại một shop mỹ phẩm cho người chú. Gã này rất rẻ rúng, thiển cận, và sở hữu một phần cửa tiệm. Công việc của Sal là tạo ra một mối kinh doanh có lợi nhuận từ nguồn lực hạn chế và nhân viên bất mãn mà chú anh chỉ định. (Ban đầu Sal cho rằng mối kinh doanh này rất khả thi!)
Mỗi khi Sal đến tham gia cùng nhóm chúng tôi, việc đầu tiên anh làm là uống vài viên Tylenol để giảm cơn đau đầu do nỗ lực thương thuyết trong vô vọng ở chỗ làm. Trong một lần tôi hỏi anh liệu anh có muốn thử tìm các phương án khác để giải quyết tình trạng hiện tại không. “Để làm gì chứ?” Anh đáp. “Không còn cách nào nữa đâu.”
Trong vòng 15 phút, các thành viên đặt câu hỏi và đưa ra những phương án khác nhau. Sal trông như thể anh đang bị nhổ răng mà không có thuốc tê vậy.
“Hay anh thử nói chuyện với ông chú và cho ổng biết tình trạng khó khăn hiện tại là do nguồn lực lão ta giao không đủ?”
“Tôi thử rồi, lão ta không thèm quan tâm.”
“Anh có thử hứa sẽ chia phần trăm lợi nhuận để tạo động lực cho nhân viên chưa?”
“Ông chú rẻ tiền của tôi không chịu đâu.”
“Hay anh thử mướn thêm một trợ lý để giảm bớt khối lượng công việc?”
“Tôi từng thử qua nhưng không có kết quả.”
“Hay là từ bỏ vị trí quản lý và quay về với công việc sơn xe?”
“Nếu làm vậy tuy có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhưng công việc đó độc hại quá.”
“Vậy anh có thể làm công việc gì khác ngoài ngành xe hơi không?”
“Công việc gì? Tôi phải trả thế chấp, nuôi vợ và 2 đứa con. Làm sao tôi liều lĩnh bắt đầu lại từ đầu được?”
“Anh có đam mê hay công việc mơ ước nào không?”
Lần này Sal dừng lại một chút rồi mới trả lời. “Tôi luôn muốn dạy võ. Nhưng chuyện đó không thể nào diễn ra được. Tôi sẽ phải làm công việc đó vào buổi tối và cuối tuần. Vợ tôi không chịu đâu và tôi sẽ không còn thời gian cho mấy đứa nhỏ.”
Với mỗi câu hỏi và mỗi lời đề nghị được đưa ra, Sal trở nên gay gắt hơn. Ánh mắt anh tỏ rõ kinh sợ như thể anh đang bị thẩm vấn bởi đặc vụ Gestapo với một cây chích điện loại dùng cho gia súc và một cây xiên băng vậy. Khi biểu hiện của anh ta cho thấy rằng việc tìm kiếm các lựa chọn khả thi chỉ làm trầm trọng thêm nỗi sợ của anh và làm anh thu mình hơn nữa, các thành viên đồng cảm và dần thoái lui. Sau đó, Sal mô tả trải nghiệm đó như thể “bị đánh hội đồng vậy.”
Trong hầu hết trường hợp, Nice Guy không phải là nạn nhân, mà nạn nhân hóa bản thân. Bởi thái độ và hành động này, Sal gần như tự đảm bảo rằng bản thân không bao giờ trải nghiệm thành công hay cảm giác thỏa mãn với công việc. Đối với Nice Guy, bị kẹt trong tình huống gây stress và không có cửa thắng lại thân thuộc và dễ chịu hơn.
Mọi Nice Guy mà tôi từng làm việc ở một giai đoạn nào đó đều phải đưa ra lựa chọn một cách có ý thức rằng họ phải dừng những hành động tự hủy lại. Đây là một bước thiết yếu để phục hồi và thoát khỏi triệu chứng Nice Guy. Để bắt đầu đạt được thành tựu trong cuộc sống, công việc và sự nghiệp, Nice Guy phải học cách không tự bóp dái mình nữa.
Một cách để dừng việc tự hủy là thay đổi cách suy nghĩ của họ về sự thay đổi. Bắt đầu với việc Nice Guy nhận thức được vì sao họ lại vô thức tự tạo ra những vật cản, khiến họ mãi kẹt lại một chỗ. Thế chấp, vợ, thiếu bằng cấp, nợ nần, con cái – thực sự chỉ là cái cớ thôi. Thay đổi cuộc đời không yêu cầu họ phải rũ bỏ tất cả. Mà phải nhìn nhận thực tế đó là gì – là cái cớ – và hãy bắt đầu bước từng bước nhỏ hướng về cuộc đời mà bản thân hằng mong ước.
Lấy ví dụ, Sal có thể bắt đầu dạy võ một buổi mỗi tuần. Anh ta có thể tập trung trả nợ và cho phép anh ta đổi việc trong tương lai. Anh ta có thể giảm bớt những hoạt động không cần thiết và không cho anh cảm giác thỏa mãn.
Bài thực hành số #44
Xác định bạn thường tự hủy như thế nào. Khi bạn nhận ra quy luật, vạch ra rõ ràng những gì bạn phải làm để đạt được mục tiêu. Xem lại các mục được nêu ra ở sau đây và nhận định những hành động cụ thể nào sẽ giúp bạn ngừng việc tự bóp bản thân và giúp bạn đạt được mục đích.
Tập trung
Làm ngay đi
Chấp nhận “ĐỦ TỐT” thay vì “hoàn hảo”
Làm gì thì làm cho xong
Đừng bắt đầu dự án mới trong khi dự án cũ còn chưa hoàn thành
Đừng lí do lí trấu.
Né rắc rối của người khác ra
Chia sẻ kế hoạch của bạn với người bạn tin tưởng. Kiểm tra lại với họ thường xuyên để xem bạn đã làm đúng chưa (Thất bại bước này là một cách rất hữu hiệu để tự bóp bản thân)
Phát triển góc nhìn thế giới chính xác hơn cho phép Nice Guy có được cuộc đời mong muốn
Có bao giờ tò mò tại sao người khác có quá nhiều thứ hơn bạn không? – nhiều tiền hơn, công việc ngon hơn, xe đẹp hơn, vợ xinh hơn? Bạn có ganh tị với họ không? Bạn có thù ghét họ vì họ có thứ bạn không có? Có tự hỏi khi nào thì tới lượt mình không?
Vì những trải nghiệm trong thời thơ ấu, Nice Guy thường bị kẹt trong suy nghĩ thiếu thốn. Họ tin rằng nguồn lực luôn có hạn, và nếu ai đó đã sở hữu thứ mà Nice Guy muốn rồi, tức là họ vừa cướp đi một phần cơ hội để Nice Guy cũng có được thứ đó. Rất khó để Nice Guy hiểu rằng họ đang sống trong một vũ trụ rộng lớn và nguồn lực thì dồi dào. Họ thường nhìn nhận rằng những thứ ngon ăn luôn khan hiếm. Họ bám chặt vào những gì mình đã có, sợ rằng họ sẽ không còn gì khi những thứ hiện tại ra đi. Họ tin rằng mình phải luôn điều khiển và thao túng để chắc rằng nguồn lực giới hạn trước mắt họ không bị cướp đi mất. Họ chọn chơi an toàn, không tin rằng nhu cầu của họ luôn có thể được đáp ứng một cách dư thừa.
Russell là gã Nice Guy luôn nhìn đời qua cái lăng kính khan hiếm nói trên. Là một nhân viên sale thành công, Russell được hưởng mức lương 6 con số. Anh ta luôn trích ra 40% bỏ vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư. Anh ta luôn giữ tài khoản của mình chỉ có đúng 30.000$. Mặc dù sở hữu kĩ năng kiếm ra tiền thượng thừa, Russell lại bị suy nghĩ thiếu thốn thao túng. Russell sợ hãi tài chính của anh bị hủy hoại đến mức anh không cho phép vợ mình mua một đĩa phim giá 9$ cho con nếu nó không nằm trong ngân sách chi tiêu.
Tư duy thiếu thốn tiền bạc của Russell là phản ánh góc nhìn đời của anh nói chung. Cha anh là một gã keo kiệt và hà khắc. Ông ta gần như gạt Russell qua một bên mà chỉ cưng chiều và ưu ái 2 người em của Russell. Đến khi cha của Russell qua đời, ông lấy phần tài sản mà lẽ ra là chia cho Russell đem quyên góp cho nhà thờ. Không có gì bất ngờ khi anh ta nhìn đời qua Paradigm mờ đục bị che phủ bởi thiếu thốn.
Khi chúng ta nhìn thế giới này rất dồi dào, ta nhận ra rằng luôn có đủ tài nguyên để đáp ứng cho mọi người. Mọi thứ mà bạn hằng mong ước đều sẵn sàng hướng về phía bạn – việc mà bạn cần làm là đừng để tư duy hẹp hòi cản đường nữa.
Hãy nhìn vào những tài sản – xe mà người ta chạy, nhà mà người ta ở, những chuyến đi chơi xa mà họ đã đi. Bạn có còn nghĩ rằng những tài nguyên mà thế giới này có thể tạo ra luôn thiếu thốn không? Nếu người khác có thể sống cuộc đời trọn vẹn và dồi dào, tại sao bạn lại không? Hãy ghi nhớ, cái mà một người làm được thì luôn có người khác cũng làm được tương tự.
Nếu có người kiếm được 1 triệu đô, tại sao bạn không làm được?
Nếu có người mở ra mối kinh doanh mà anh ta hằng ao ước, tại sao bạn lại không làm được?
Nếu có người sở hữu Mercedes, tại sao bạn không làm được?
Nếu có người bỏ công việc tệ hại và tìm được công việc tốt hơn, tại sao bạn không làm được?
Nếu có người trở thành thầy hướng dẫn trượt tuyết, tại sao bạn không làm được?
Thật không may, đời không thể cho ta thứ mà ta chưa sẵn sàng nhận. Bởi vì tư duy thiếu thốn khiến một người cứ giữ khư khư những gì đã có, họ không còn tay nào để nhận được nhiều hơn. Cũng như Phil đã nhận ra, khi chúng ta yêu cầu thứ ta muốn, và đặt kỳ vọng nhận được thứ đó, thì điều đó sẽ tới bằng cách này hoặc cách khác.
Bài thực hành số #45
Tắt màn hình một chút đi và nhắm mắt lại. Hít sâu và thở ra chậm rãi. Hãy dọn sạch tâm trí của bạn.
Một khi bạn đã thoải mái, tưởng tượng rằng bạn đang sống trong một thế giới dồi dào. Tại thế giới này, không hề tồn tại hạn chế hay giới hạn. Những điều tuyệt vời liên tục chảy qua người bạn. Tưởng tượng những nguồn lực dồi dào mà bạn hằng mong ước – xe, nhà, bạn bè, tình yêu, hạnh phúc, giàu sang, thành đạt, tĩnh tâm, thử thách. Hãy hình dung cuộc đời bạn được bao quanh bởi sự dồi dào này.
Thực tập đi thực tập lại bài tập này nhiều lần mỗi ngày cho đến khi bạn cảm thấy nó trở nên chân thực. Mở rộng vòng tay, trái tim và tâm trí. Hãy bước sang một bên, đừng cản đường dòng chảy chảy vào bạn.
Đạt được cuộc đời mong muốn: Chiến lược thành công của No More Mr. Nice Guy!
Nice Guy tin rằng có một bộ quy luật chung cai trị mọi hành vi. Họ tin rằng tìm ra và chịu đựng những quy luật đó là điều kiện cần thiết để họ có cuộc đời êm ấm và hạnh phúc. Họ cũng tin rằng nếu bất tuân quy luật này họ sẽ gánh hậu quả khủng khiếp.
Khám phá ra đam mê và mục tiêu cuộc đời đòi hỏi bạn phải thử cái gì hiệu quả và cái gì không. Người trưởng thành và thành đạt tự đặt ra quy luật của riêng họ. Những quy luật đó chỉ được đánh giá dựa trên một mục tiêu: nó có hiệu quả không?
Qua nhiều năm, những thành viên trong nhóm No More Mr. Nice Guy! đã khám phá ra rất nhiều quy luật hiệu quả với họ. Những quy luật này đã giúp họ khám phá ra đam mê và sống đúng với tiềm năng của họ. Những quy luật này đã giúp họ tạo ra cuộc đời và công việc mà họ luôn ao ước.
Bài thực hành số #46
Đọc qua danh sách quy luật bên dưới. Thử xem chúng có phù hợp với bạn không. Thêm vào danh sách quy luật của riêng bạn. Viết chúng ra giấy và dán ở chỗ dễ nhìn thấy.
- Nếu điều gì đó làm bạn sợ, làm nó đi.
- Đừng an phận. Mỗi lần an phận bạn sẽ chỉ nhận được đúng thứ mà bạn chọn an phận thôi,
- Đặt bản thân mình lên đầu.
- Dù có chuyện gì xảy ra, bạn vẫn có thể xử lý được.
- Làm gì cũng phải làm tới nơi tới chốn.
- Nếu bạn làm đi làm lại theo một cách tương tự, bạn nhận được kết quả tương tự.
- Bạn là người duy nhất trên cõi đời này phải chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu, mong muốn và hạnh phúc của bản thân.
- Hãy yêu cầu điều bạn muốn.
- Nếu cách hiện tại không có hiệu quả, hãy thử cách khác.
- Thẳng thắn và rõ ràng.
- Học cách nói “không!”.
- Đừng có viện cớ.
- Nếu trưởng thành rồi thì tự đặt quy luật cho mình đi.
- Để người khác được giúp bạn,
- Chân thật với bản thân.
- Đừng để ai leo lên đầu bạn ngồi. Không – ai – cả.
- Nếu dính vào tình huống tồi tệ, rút bản thân ra khỏi nó, đừng ngồi đợi tình huống tốt hơn.
- Đừng bao giờ dung thứ điều không thể dung thứ.
- Không đổ lỗi. Nạn nhân không bao giờ thành công.
- Sống thẳng thắn. Quyết định bạn cần phải làm gì, và thực hiện nó.
- Đối mặt với hậu quả từ hành động của bạn.
- Đối xử bản thân tốt hơn.
- Hãy tư duy “dồi dào”.
- Đối mặt trực tiếp với thử thách và xung đột.
- Đừng làm chuyện gì trong lén lút.
- Cần làm gì thì làm liền đi.
- Sẵn sàng buông bỏ thứ mà bạn đang có để nhận về thứ mà bạn muốn có.
- Vui lên, nếu chưa vui tức là có gì đó chưa đúng.
- Sẵn sàng thất bại đi. Vì không có phạm sai lầm, chỉ có học hỏi thêm kinh nghiệm.
- Kiểm soát là một loại ảo giác. Buông bỏ đi; hãy để cuộc đời tiếp diễn.
Đã đến lúc bạn bắt đầu đạt được thứ mình muốn. Giải phóng bản thân khỏi hội chứng Nice Guy sẽ cho phép bạn khám phá ra tiềm năng và đam mê thực sự. Bằng cách nhận trách nhiệm kiến tạo cuộc đời mà bạn hằng mong muốn, bạn có thể trở thành bất cứ thứ ai mà bạn mơ ước.
==============================
Phần kết
Người dịch: biiq35
Tôi đã mất 6 năm để viết cuốn sách này. Trong thời gian này, tôi đã làm việc với vô số Nice Guys và người yêu của họ. Tôi đã có trung bình ba nhóm “No More Mr. Nice Guy!” cho nam giới mỗi tuần. Chỉ tính riêng thời gian hoạt động trong nhóm đã có hơn 1.800 giờ làm việc với mấy tay Nice Guys. Trong thời gian này tôi đã quan sát được nhiều điều thú vị và sâu sắc.
Tôi, đã chứng kiến vô số gã từ việc bất lực, thụ động, thích kiểm soát và phẫn uất trở thành những người đàn ông có quyền lực và sống hòa nhập.
Tôi đã thấy nhiều mối quan hệ được cải thiện đáng kể và cũng đã chứng kiến nhiều mối kết thúc vì không phù hợp nhau.
Tôi, đã lắng nghe những lời chứng thực không mong muốn, đọc những lá thư cảm ơn từ cả nam giới và phụ nữ về những thay đổi mà họ đã trải qua trong cuộc sống. (Nhiều người chửi, nhưng cũng có rất nhiều người cảm ơn).
Tôi đã nhận được phản hồi từ mọi đàn ông và phụ nữ trên khắp thế giới, những người đã nhìn thấy bản thân hoặc người mà họ yêu quý trong phần mô tả về Nice Guy trên trang web của tôi.
Dựa trên việc quan sát tất cả những điều này, đây là khám phá lớn nhất của tôi: Các công cụ và những hiểu biết sâu sắc được trình bày trong cuốn “No More Mr. Nice Guy!” có hiệu quả!
Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi khuyến khích bạn đọc lại từ đầu. Dành thời gian để thực hiện các bài thực hành trong sách. Nếu bạn không thể hoàn thành, vậy hãy tìm một người hoặc nhóm nào đó đủ an toàn để hỗ trợ bạn trong hành trình phục hồi thoát khỏi Hội chứng Nice Guy. Nếu bạn đang trong một mối quan hệ, hãy yêu cầu nửa kia đọc cuốn sách. Chia sẻ với ảnh (hoặc ẻm) về những hiểu biết mà bạn đang khám phá về bản thân mình.
Làm việc theo chương trình phục hồi được trình bày trong cuốn “No More Mr. Nice Guy!” này là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành tặng cho chính mình và những người thân yêu. Khi bạn học cách chấp nhận chính mình, bạn sẽ khám phá ra được khả năng không tưởng bên trong mình để yêu, chấp nhận nó, và sống một cuộc sống hết mình. Kiểu diễn tả lớn lao này thoạt đầu có vẻ “đa cấp”, nhưng đó chính xác là bản chất về việc tìm được ý nghĩa của câu hỏi bạn là ai và bạn muốn trở thành người như thế nào.
Với sự khám phá này về con người thật của bạn, nó sẽ đi cùng với sự tự do vô hạn. Tự do để trở thành chính mình. Tự do để ngừng tìm kiếm sự chấp thuận. Tự do để bắt đầu đạt được những gì bạn muốn.
Về NoMoreMrNiceGuy.com
Tiến sĩ Glover đưa ra rất nhiều những tài tài liệu cho Nice Guys đang tái hoà nhập xã hội trên chính website của ông ở trang web www.NoMoreMrNiceGuy.com. Chúng bao gồm:
- Những tài liệu in sẵn & bản ghi âm.
- Những nhóm hỗ trợ trực tuyến miễn phí.
- Các nhóm trị liệu cho nam giới.
- Tư vấn chuyện hôn nhân qua SĐT hoặc email.
- Các buổi hội thảo, các buổi workshop, và các lớp học.
- Lịch trình những sự kiện hiện tại.
- Một danh sách dài các câu hỏi và câu trả lời.
Nhận lợi thế từ nguồn tài nguyên đã có sẵn trên NoMoreMrNiceGuy.com và bắt đầu lấy lại những gì bạn muốn trong tình yêu và cuộc sống.
Đôi lời về tác giả
Tiến sĩ Robert Glover là người có thẩm quyền hàng đầu thế giới về Hội chứng Nice Guy, hội chứng này phát triển từ quá trình tự tìm kiếm câu trả lời cho những thất vọng trong tình yêu và cuộc sống. Kể từ khi nhận ra và gắn nhãn cho Hội chứng Nice Guy hơn mười năm trước, Glover đã dành hàng nghìn giờ làm việc với hàng trăm Nice Guys và người yêu của họ. Ngoài công việc với những người đàn ông này trong việc trị liệu cho cá nhân hay cặp đôi, ông còn dẫn dắt các nhóm trị liệu “No More Mr. Nice Guy!” và tổ chức các buổi hội thảo trên khắp đất nước về việc Thoát khỏi Hội chứng Nice Guy. Trang web của ông ấy, www.NoMoreMrNiceGuy.com, giới thiệu các nguồn tài nguyên để hỗ trợ nam giới trong việc phục hồi của họ. Glover là khách mời thường xuyên của các chương trình trò chuyện trên đài phát thanh, và đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm, bao gồm cả Tạp chí Esquire.
Tiến sĩ Glover, một Nhà trị liệu về Hôn Nhân và Gia Đình đã được chứng nhận, với bằng tiến sĩ về Liệu Pháp trên, đã kết hôn với Elizabeth Oreskovich, cũng là một nhà trị liệu tâm lý. Hai người cùng chỉ đạo ở Trung tâm Chữa Bệnh Và Phục Hồi. Họ có bốn người con và lập gia đình ở thành phố Tacoma, Washington.
==============================
HẾT
Hiệu chỉnh: biiq35 (thiết kế) & Cừu (câu từ)
Sách được hoàn thành bởi TEAM Griffin cũng như được sự ủng hộ từ TLLN!