Chương 2: Sự hình thành của một Nice Guy

TÀI LIỆU CHUYÊN GIẢI NGU CHO CON GÁI (CLICK)
XEM VID PREMIUM CỰC HAY MIỄN PHÍ
NGƯỜI MỚI NÊN ĐỌC
ỦNG HỘ KEODAU.NET

Chương 2: Sự hình thành của một Nice Guy

Người dịch: Chém Heo

Tôi kết luận toàn bộ chương vừa rồi với câu hỏi như sau: “Tại sao chúng ta vẫn có thể cho là bình thường khi một người nào đó cố gắng loại bỏ hoặc che giấu đi con người thực sự của anh ta và tỏ ra mình là một người khác thậm chí là khi không có một lý do gì thực sự thuyết phục anh ta làm vậy? Anh ta đang tìm kiếm điều gì? Một sự công nhận? Hay thậm chí là sự thương hại từ người khác? Tại sao họ không sẵn sàng mở lòng để thể hiện đúng bản chất thực sự của họ?”.

Sau nhiều năm nghiên cứu về Hội chứng Nice Guy với nhiều góc độ và quan điểm, tôi có một câu trả lời duy nhất và hợp lí nhất cho câu hỏi vừa được đặt ra ở trên: “Bởi vì những cậu trai và gã đàn ông này không cảm thấy an toàn và sẽ được chấp nhận khi là chính mình”. Vì thế nên việc vào vai một gã trai tốt là cách để họ đạt được những cảm giác “an toàn” và “được chấp nhận” đó. Hơn thế nữa, lí do duy nhất khiến một đứa trẻ hay một người lớn từ bỏ bản chất và vào vai một kẻ hoàn toàn không phải mình là vì họ tin rằng sẽ là một điều tệ hại và nguy hiểm nếu như họ sống đúng với bản chất.

Trong những năm hình thành nhân cách của mình, những gã Nice Guy này đa bị tẩy não rằng sống đúng với bản chất là một việc hoàn toàn sai trái và khó được chấp nhận bởi môi trường xung quanh hay thậm chí cả chính gia đình họ.

Tiếp theo, tôi sẽ cho bạn các bạn thấy gia đình và môi trường xung quanh đã đầu độc những đứa trẻ đã từng thông minh và lý tưởng như thế nào để biến chúng thành những gã trai ngoan chỉ biết nghe lời để nhận được sự chấp nhận và yêu thương từ người khác.

Trải nghiệm cảm giác bị ruồng bỏ.

Khoảng thời gian dễ bị ảnh hưởng nhất trong cuộc đời của một người là khi vừa sinh ra cho đến khoảng 5 tuổi. Trong những năm tháng đầu đời này, tính cách của một đứa bé đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh chúng. Đây là khoảng thời gian “hình mẫu” của đứa bé này bắt đầu được hình thành. Cha mẹ và họ hàng của trẻ thường là những tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất trong quá trình này, và cũng là nguồn gốc của Hội chứng Nice Guy.

Có 2 sự thật ta cần phải biết về trẻ con. Đầu tiên là khi vừa xuất hiện trên cõi đời này, chúng hoàn toàn vô dụng và buộc phải phụ thuộc vào người khác(cha mẹ) để đáp ứng nhu cầu của mình. Vì thế điều đáng sợ nhất đối với mọi đứa bé đó chính là bị bỏ rơi, đối với chúng thì sự bỏ rơi cũng đồng nghĩa với cái chết.

Tiếp theo, những đứa trẻ đều bị “ảo tưởng”. Chúng tự huyễn hoặc bản thân là cái rốn của vũ trụ và vạn vật đều xoay quanh chúng. Vậy nên những đứa trẻ thường tin rằng mọi thứ xảy ra đều là vì chúng.

“Nỗi sợ bị ruồng bỏ” và “sự ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân” – đây là 2 nhân tố tạo nên một “nỗi ám ảnh” cho lũ trẻ: bất cứ khi nào chúng cảm thấy mình bị bỏ rơi, chúng sẽ tin rằng lỗi là do mình. Những trải nghiệm làm chúng cảm thấy bị ruồng bỏ bao gồm:

● Cha mẹ la mắng hay đánh đòn.

● Cha mẹ không quan tâm, chú ý đến chúng.

● Cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao, không thực tế lên chúng.

● Cha mẹ không có mặt đúng lúc chúng cần.

● Cha mẹ dùng chúng như “công cụ” để đạt được mục đích.

Đây không phải là một thế giới hoàn hảo, vậy nên cũng không có gia đình nào là hoàn hảo cả. Mọi đứa trẻ đều có những lần cảm thấy như bị ruồng bỏ. Mặc dù chúng đã có một cách nghĩ sai lệch khi tin rằng mình là nguyên nhân của những trải nghiệm không đáng nhớ, nhưng chúng vẫn sẽ không thể thay đổi cách nghĩ này. (Vì trẻ con thì luôn suy nghĩ đơn giản – ND)

Toxic Shame.

(Đây là một thuật ngữ của tác giả nên mình sẽ giữ nguyên, theo mình hiểu thì có nghĩa là “Sự hổ thẹn vô lý” – ND).

Những trải nghiệm cảm giác bị ruồng bỏ, sự ngây thơ và sự ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân đã khiến cho một số đứa trẻ tin rằng việc sống đúng với bản chất là không thể chấp nhận được. Chúng cho rằng việc những người xung quanh “ruồng bỏ” mình là vì chúng đã làm sai điều gì đó. Lũ trẻ không đủ trưởng thành để hiểu rằng lỗi không phải ở chúng, mà là bởi những người phải nhận ra và đáp ứng nhu cầu của chúng.

Sự ngây thơ, ảo tưởng về việc bị ruồng bỏ đã tạo nên một trạng thái tâm lý mà tôi gọi là Toxic Shame. Loại trạng thái này khiến một người tin rằng họ vốn dĩ kém cỏi, tệ hại, khác người và không xứng đáng được yêu thương. Toxic Shame không chỉ khiến một người cảm thấy họ đã làm những điều tệ hại, mà nó còn khiến cho người này cảm thấy chính họ mới là điều xấu xa.

Cơ chế sinh tồn – Sự đối phó một cách sai lệch

(Ở đây tác giả dùng cụm “Survival Mechanisms”, chúng ta có thể hiểu rằng khi một đứa trẻ cảm thấy “vị thế”, tầm quan trọng của mình đang bị đe dọa thì nó sẽ vô thức tạo nên một “cơ chế sinh tồn”, cơ chế này nhằm giúp nó “tự vệ” khỏi cảm giác bị bỏ rơi, không an toàn – ND)

Hậu quả của việc hiểu sai rằng “mình bị bỏ rơi” của lũ trẻ được thể hiện bằng việc chúng tạo nên một cơ chế sinh tồn. Thứ cơ chế này được tạo nên (trong vô thức) để giúp chúng:

1. Chống lại những tổn thương về mặt tinh thần và thể xác khi bị bỏ rơi.

2. Đảm bảo những trải nghiệm đáng quên này sẽ không lặp lại.

3. Che giấu sự hổ thẹn vô lý của mình (Toxic shame) khỏi những người xung quanh và cả chính bản thân.

Những đứa trẻ này sẽ tìm mọi cách để đạt được 3 mục tiêu vừa nêu trên. Vì vốn hiểu biết và trải nghiệm của bọn trẻ còn rất ít, nên thứ cơ chế vô lý này thường không giúp ích được gì cả, đôi khi còn phản tác dụng. Ví dụ, một đứa trẻ cảm thấy không được quan tâm thường gây sự chú ý của bố mẹ bằng những cách ngu xuẩn và tiêu cực. Mặc dù sẽ thật ngớ ngẩn khi đứa trẻ này tìm cách thu hút sự quan tâm bằng cách tiêu cực, nhưng chúng cảm thấy như vậy còn tốt hơn cảm giác lạc lõng hay không được quan tâm. (Chúng không hiểu rằng làm như vậy chỉ khiến bố mẹ ngán ngẩm và thất vọng mình hơn, thứ chúng quan tâm duy nhất là bố mẹ đã đặt sự chú ý lên chúng – ND).

Việc cố sống để làm hài lòng người khác chỉ là một trong vô số những tình huống có thể xảy ra với một cậu nhóc từng có trải nghiệm bị ruồng bỏ thời thơ ấu hay mang trong người sự hổ thẹn vô lý (Toxic shame).

Nguồn gốc của hình mẫu Nice Guy

Khi tôi bắt đầu khám phá ra những đặc tính của Nice Guy ở chính bản thân, tôi không tài nào hiểu được tại sao mình lại có những đặc tính và hành vi như vậy. Tôi đã cho rằng đó là do tôi xuất thân từ một gia đình tuyệt vời và có một cuộc đời tốt đẹp (Nice guys luôn tỏ ra là mình “tốt”, ở đây tác giả nghĩ hành vi của mình là do xuất thân của bản thân mình – ND). Nhưng khi tôi bắt đầu quan sát những gã đàn ông có những đặc điểm giống với mình, tôi cảm thấy mù tịt về lí do tại sao tôi và những gã này lại có chung những đặc tính như thế.

Khi được hỏi về thời thơ ấu, những gã Nice Guy thường nói rằng họ trưởng thành trong một gia đình “hoàn hảo”, “tuyệt vời”, “chuẩn Mỹ”. Tuy vậy, những gã này đều tìm cách che giấu khuyết điểm và cố để sống theo tiêu chuẩn của người khác. Những điều này đã cho thấy rằng tuổi thơ của họ không thực sự lý tưởng như họ đã nói.

Alan, Jason và Jose đều là những gã Nice Guy. Họ có những trải nghiệm tuổi thơ khác nhau, cách mà họ trở thành Nice Guy cũng hoàn toàn riêng biệt. Nhưng những gã này từ bé đã tin rằng mình không ổn như mình tưởng. Vì bị tác động của sự hổ thẹn vô lý (toxic shame), tất cả đều có một cách sống khá giống nhau, gã nào cũng tìm kiếm sự công nhận của người khác và tìm cách che đậy đi khuyết điểm của bản thân. Tất cả bọn họ đều tin rằng nếu làm vậy, họ sẽ có một cuộc đời suôn sẻ, được quý mến và đạt được những thứ họ muốn.

Alan

Alan – người con cả trong một gia đình có mẹ đơn thân. Khi còn bé, Alan rất nổi bật tại trường vì thành tích học tập cũng như thể thao rất tốt. Anh tự hào rằng chưa bao giờ khiến mẹ mình phải buồn dù chỉ là một giây ngắn ngủi. Những “thành tích” này khiến anh tự tin rằng mình “đặc biệt” nhất trong tất cả anh em, và Alan tin rằng mẹ tự hào về mình. Là người đầu tiên trong gia đình có được tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng càng củng cố thêm cho sự tự tin của anh.

Như đã nói ở trên, Alan và anh em sống với người mẹ đơn thân. Bố của anh là một tên nghiện rượu và đã bỏ đi khi Alan chỉ mới 7 tuổi. Điều này khiến Alan hạ quyết tâm phải khác với bố của mình, anh tự hào bản thân là một người rộng lượng, hào phóng. Alan làm việc rất chăm chỉ để bản thân không phải giống như người bố của mình – một gã đàn ông nóng tính và vô dụng. Khi còn ở độ tuổi thiếu niên, Alan còn là một thủ lĩnh năng nổ của đội hướng đạo sinh, anh cũng chưa từng uống rượu hay sử dụng bất kì loại chất kích thích nào.

Nói về người mẹ của Alan, bà là một tín đồ của đạo Cơ đốc giáo chính thống và bà đã nuôi dạy Alan trong một giáo phái (in a sect that preached hell-fire and brimstone) khiến anh tin rằng mình là “tội đồ” chỉ vì bản thân có những suy nghĩ và khát vọng “phàm tục”. Mặc dù luôn cố gắng làm một con chiên ngoan đạo, Alan vẫn luôn lo sợ rằng mình sẽ phạm phải lỗi lầm nào đó và chịu sự trừng phạt vĩnh cửu của Chúa.

Alan tin rằng mẹ anh là một vị “thánh”. Bà là một người phụ nữ sẵn sàng làm mọi thứ vì con, luôn biết lắng nghe và không bao giờ phán xét các con của mình. Tuy vậy, bà và Alan vẫn thường xuyên ngồi lại với nhau và nói về những “tội lỗi” của bố anh, đồng thời “xót thương” lẫn nhau vì những gì mà họ đã trải qua.

Rất nhiều lần mẹ của Alan nói với anh rằng bà luôn cố gắng để nuôi dạy các con lớn khôn và khác với bố. Bà muốn các con trai của mình phải là những người đàn ông rộng lượng, nhẹ nhàng và tôn trọng phụ nữ. Mặc dù đã trưởng thành, Alan vẫn giữ mối quan hệ khắng khít với mẹ và làm mọi thứ có thể để cuộc sống của bà tốt hơn.

(Theo văn hóa phương Tây, khi đủ 18t thì người con được xem như là đã trưởng thành và phải bắt đầu cuộc sống của riêng mình, bố mẹ cũng có cuộc sống của riêng họ – ND)

Jason

Jason – người đã được nhắc đến trong chương trước. Anh ta cho rằng mình đã trưởng thành trong một gia đình “chuẩn mực”. Nhưng thực tế thì bố mẹ của anh ta là những kẻ sống dựa dẫm vào con cái. Mặc dù anh ta tin rằng mình có một tuổi thơ lý tưởng, thực tế lại cho thấy bố mẹ anh đã “lợi dụng” anh và các anh em để đạt được “mục đích” của riêng mình.

Jason tin rằng bố mẹ anh là những bậc phụ huynh hoàn hảo. Qua lời kể của anh, họ là những người rất nghiêm khắc và luôn bảo bọc con mình quá mức cần thiết. Anh ta cũng đã phải thừa nhận rằng mình đã được bố mẹ quan tâm quá mức và là một tay “gà mờ” đích thực về tình dục.

Bố của Jason là một người kiểm soát gia đình quá mức. Jason nói rằng bố vẫn luôn cố kiểm soát mình dù anh đã lớn. Ông luôn yêu cầu con mình phải nghe theo mình, trong việc mua nhà, mua xe, thậm chí cả việc nên đi đến nhà thờ nào.

Mẹ của Jason được miêu tả như một người phụ nữ “tuyệt vời và đáng mến”. Anh ta nói rằng bà luôn có mặt trong mọi hoạt động của lũ trẻ. Bởi vì không có bất cứ người bạn nào nên bà đặt hết tâm tư vào những đứa con.

Jason không thể nào nhớ được lần cuối mà bố mẹ anh thể hiện tình cảm với nhau là khi nào. Anh cũng không thể tưởng tượng ra được làm thế nào mà họ có thể có với nhau 3 đứa con. Mặc dù bố mẹ anh đã làm mọi thứ vì con cái, nhưng anh cũng không thể nhớ được đã bao giờ họ từng “nghỉ phép” để chăm sóc bản thân hay chưa.

Khi trưởng thành, Jason phải vào vai hình mẫu mà bố mẹ anh hằng mong muốn: người chồng tốt, người cha mẫu mực, một con chiên ngoan đạo và một chuyên viên lành nghề. Mặc dù đã cố hết sức, Jason luôn cảm thấy mình quá kém cỏi và không vượt qua được cái bóng của bố mẹ mình.

Jose

Mặc dù là một cố vấn kinh doanh thành đạt, anh chàng này gặp vấn đề với những mối quan hệ thân thiết. Jose được đào tạo kĩ lưỡng và có một sự nghiệp đầy quyền lực nhưng cũng không kém phần áp lực. Anh chàng này là một người năng động, vậy nên một kì nghỉ trong mơ của anh ta sẽ là một chuyến đạp xe đường dài hay leo núi. Dù chịu áp lực rất lớn trong công việc, anh ta luôn cố che giấu cơn giận của mình và cố không làm bất cứ ai buồn lòng dù chỉ là một câu nói. Jose thừa nhận rằng anh là một người thích kiểm soát và thứ anh “thèm khát” nhất chính là sự công nhận của mọi người.

Jose bị thu hút bởi những người phụ nữ thích dựa dẫm và lệ thuộc. Anh ta còn phát hiện rằng bản thân cũng bị thu hút bởi những người từng bị lạm dụng tình dục. (gã này thích cảm giác người khác phải lệ thuộc vào mình, gã cảm thấy như mình là một người “ban ơn”, dạng này còn gọi là “good” Nice Guy, được định nghĩa rõ hơn ở các phần sau – ND)

Jose vẫn giữ mối quan hệ với bạn gái của mình vì anh ta lo lắng cho tình trạng tài chính của cô, Jose sợ rằng cô ta sẽ “tiêu đời” nếu anh rời bỏ cô.

Jose thừa nhận rằng anh có một gia đình không êm ấm. Anh ta là người con thứ hai trong 7 người con của một gia đình nghèo khó. Khi mới chỉ khoảng 14 tuổi, anh đã phải đóng vai cha mẹ và chăm sóc cho những người em của mình. Anh thổ lộ rằng gia đình của anh là một mớ hỗn loạn kinh khủng và anh cảm thấy mình cần phải bảo vệ các em mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đó.

Cha của Jose là một gã nóng tính, ngược đãi và thích kiểm soát. Ông ta thường nổi điên và mắng chửi những đứa con trai của mình, trong khi những đứa con gái thì lại bị ông lạm dụng tình dục.

Mẹ Jose thì mắc bệnh Rối loạn cảm xúc lưỡng cực(Manic-depression hay Bipolar disorders, một loại bệnh tâm thần – ND). Tâm trạng của bà cực kì thất thường và luôn phải phụ thuộc vào thuốc. Khi bà “vui”, bà giữ cho nhà cửa sạch sẽ, nói về chính trị và xã hội để tiêu khiển, bà còn có những hành vi tình dục bệnh hoạn. Khi thì bà lại phát điên, biến căn nhà trở thành đống rác và đe dọa sẽ tự tử. Jose đã từng phải phá cửa để cướp khẩu súng khỏi tay bà khi anh 15 tuổi. Lúc đó bà đã dọa sẽ tự tử trong khi những đứa con đứng chôn chân vì sợ hãi. Đối với Jose thì đây là chuyện thường ngày khi lớn lên ở gia đình này.

Jose đã rất cố gắng để có một cuộc đời khác với gia đình “bất ổn” của mình. Anh ta là trụ cột của gia đình mình và cũng là người giải quyết khi gia đình có vấn đề gì đó. Cuộc sống của Jose như gắn liền với “hỗn độn”, anh ta là người sẽ giải quyết mớ “hỗn độn” trong gia đình, công việc và cũng như các mối quan hệ. Dường như đó đã là một nghĩa vụ đối với anh và sẽ thật bất thường nếu như anh không phải giải quyết rắc rối.

Jose xem trí tuệ và khả năng xử lý vấn đề của mình chính là thứ “cứu vớt” cuộc đời anh. Những thứ này giúp anh không bị cuốn vào sự bất ổn của gia đình mình và cuộc sống. Jose tin rằng nếu anh không có những khả năng này, anh sẽ phải sống một cuộc đời giống như bố mẹ và anh em của mình – một mớ hỗn độn.

Child Development 101 – Sự Phát Triển Của Trẻ Con

Alan, Jason và Jose đầu có những trải nghiệm khác nhau trong thời thơ ấu, nhưng cuộc sống của họ đều có phần giống nhau. Cả ba đều tin rằng cuộc sống của mình không ổn như họ từng nghĩ, và họ buộc phải thay đổi bản thân. Để giúp người đọc hiểu rõ hơn về việc tại sao 3 tuổi thơ khác nhau lại có thể tạo nên 3 người có hình mẫu tương đồng nhau, tôi sẽ đưa ra những sự thật về trẻ con trong quá trình phát triển đã được tôi nhắc đến trước đó:

1. Đứa trẻ nào khi vừa sinh ra cũng đều vô dụng và phải phụ thuộc vào người khác.

2. Đứa trẻ nào cũng sợ bị bỏ rơi.

3. Đứa trẻ nào cũng ảo tưởng về tầm quan trọng của bản thân.

4. Đứa trẻ nào cũng từng trải qua cảm giác bị bỏ rơi.

5. Khi cảm thấy bị bỏ rơi, đứa trẻ nào cũng cho rằng lỗi là do mình.

6. Cách hiểu ngây thơ và sai lệch của chúng đã tạo nên sự hổ thẹn vô lý về bản thân (Toxic shame) – chúng nghĩ rằng mình không tốt.

7. Trẻ con thường sử dụng những cách sai lệch để đối phó lại với cảm giác bị bỏ rơi, tránh cho những việc này lặp lại và để che giấu những khuyết điểm khỏi người khác và chính bản thân mình.

8. Những cách đối phó sai lệch này phản chiếu rõ sự ngây thơ và ngờ ngệch của chúng.

Từ những bé trai hoàn hảo thành những Nice Guy nhu nhược

Những điều vừa được liệt kê ở trên có thể trùng khớp với trải nghiệm tuổi thơ của Alan, Jason, Jose và tất cả những gã Nice Guy được nhắc đến trong quyển sách này. Quá trình biến đổi một đứa bé trai hoàn hảo thành một tên Nice Guy tệ hại có thể tóm gọn trong ba giai đoạn sau: Trải nghiệm bị bỏ rơi, mặc cảm vô lý về bản thân và sự hình thành cơ chế sinh tồn sai lệch.

Trải nghiệm bị bỏ rơi

Giống như tất cả những Nice Guy khác, Alan, Jason và Jose đều từng bị bỏ rơi theo nhiều cách:

Alan và Jose có cha mẹ nóng tính và hay phán xét, họ đã khiến hai người tin rằng mình chưa từng ổn.

Alan “tôn thờ” mẹ của mình như một vị thánh, nhưng bà đã không “cứu rỗi” khi anh bị bố bạo hành. Điều này đã ngầm hiểu rằng Alan không đáng để được bảo vệ.

Alan vì bị bố bỏ rơi mà đã tạo dựng nên niềm tin rằng mình phải khác với bố để trở thành một người đàn ông tốt và được mẹ yêu thương.

Alan và Jason từng bị “lợi dụng” bởi bố mẹ của họ. Họ được yêu quý chỉ vì luôn vâng lời và không gây ra rắc rối. Điều này đã cho hay chỉ khi họ sống đúng với kì vọng của bố mẹ thì họ mới được yêu thương.

Jason tin rằng bố mẹ của mình là những người hoàn hảo, anh cảm thấy xấu hổ và không thể vượt qua được cái bóng quá lớn của họ.

Jose không nhận được bất cứ sự chăm sóc, dẫn lối hay hỗ trợ nào từ bố mẹ của mình. Điều này đã cho thấy anh chả là gì trong mắt họ.

Alan và Jason trưởng thành trong những giáo phái cực đoan, họ buộc phải “hoàn hảo” và “trong sạch”. Phạm lỗi cũng đồng nghĩa với việc bị Chúa trừng phạt.

Jose tin rằng anh chỉ có giá trị khi anh khác với gia đình hỗn loạn của mình.

Cả ba người Alan, Jason và Jose đều tin rằng lợi ích của người khác quan trọng hơn mong muốn của bản thân mình – đây là một biểu hiện thường thấy của những gã Nice Guy.

Tất cả những trải nghiệm này đều là một dạng trải nghiệm cảm giác bị ruồng bỏ, vì chúng đã khiến những người này tin rằng họ chưa từng thực sự ổn.

Sự mặc cảm về bản thân

Không cần biết rằng liệu họ đã từng trải qua việc bị lạm dụng, thờ ơ, làm nhục…hay chưa, tất cả những gã Nice Guy đều có chung một niềm tin: sống đúng với bản chất là một việc rất dại dột.

Niềm tin này được tiêm nhiễm vào đầu những đứa trẻ bởi những bậc cha mẹ vô trách nhiệm. Một số khác thì lại còn quá trẻ để đảm đương trọng trách làm cha mẹ, hay không biết cách để nuôi dạy con. Đôi khi, những niềm tin này được truyền đạt trong nhiều tình huống một cách không có chủ ý.

Trong mọi tình huống, đứa trẻ đều tin rằng tất cả mọi chuyện xảy ra đều có dính dáng đến nó. Thử áp dụng logic của trẻ con, chúng ta sẽ có lối suy nghĩ điển hình “Tất cả là tại mình nên…….”. Giờ thì hãy thử ghép lối suy nghĩ này vào bất cứ tình huống nào:

● Khi mình khóc, không ai dỗ dành mình.

● Mẹ mới có nét mặt như thế.

● Bố bỏ đi và không quay trở lại.

● Mẹ mới phải làm những việc cỏn con này giúp mình.

● Bố mắng mình.

● Mình không tuyệt vời được như bố mẹ.

● Mẹ buồn phiền.

Cũng bởi những trải nghiệm không được tốt đẹp, những đứa bé trai cũng có loại logic “Mình chỉ được yêu thương và trở thành đứa con ngoan nếu….”, giờ thì chúng ta sẽ tiếp tục thêm tình huống vào:

● Mình khác với bố.

● Mẹ cần mình.

● Mình không phạm bất kì lỗi lầm nào.

● Mình học giỏi.

● Mình luôn vui vẻ.

● Mình khác biệt với anh em.

● Mình không gây ra rắc rối.

● Mình làm bố mẹ vui.

Cơ chế sinh tồn sai lệch

Bởi những trải nghiệm bị bỏ rơi thời thơ ấu và hiểu sai bản chất sự việc, những Nice Guy đã tạo nên một cơ chế sinh tồn để đáp ứng 3 điều sau:

1. Chống lại tổn thương và khủng hoảng tinh thần bị gây ra bởi những trải nghiệm bị bỏ rơi.

2. Tránh những trải nghiệm không tốt này tái diễn.

3. Che giấu đi sự mặc cảm về bản thân.

Thứ cơ chế ngu ngốc này đã tạo nên cách nghĩ sai lầm sau:

● NẾU tôi giấu đi khuyết điểm của bản thân và sống theo tiêu chuẩn của người khác,

● THÌ tôi sẽ được quý mến, có được những thứ tôi muốn và có một cuộc đời suôn sẻ.

Lối suy nghĩ này được hình thành vào thời thơ ấu, nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy khi Nice Guy đã trưởng thành. Mặc dù đây là cách hiểu sai đối với những sự kiện thời thơ ấu, nhưng những gã Nice Guy vẫn cứ bám víu vào nó ngay cả khi mình đã lớn. Những gã thất bại này tin rằng đây là “kim chỉ nam” cho một cuộc đời tốt đẹp, và ngay cả khi nó không có hiệu quả thì họ vẫn cứ lặp đi lặp lại với hi vọng sẽ thành công.

Phân loại Nice Guy

Thứ cơ chế sinh tồn sai lệch mà Nice Guy đã tạo nên để đối phó với những trải nghiệm không tốt đẹp và sự mặc cảm vô lý về bản thân thường được thể hiện theo 2 cách. Ở cách đầu tiên, gã Nice Guy sẽ thường phóng đại sự “bất ổn” của hắn và cho rằng mình là một người tệ hại. Tôi gọi đây là loại “Nice Guy tồi tệ”.

Nice Guy tồi tệ luôn cố gắng thuyết phục mọi người rằng hắn là một người tệ hại. Hắn nói về những hành vi sai trái của mình lúc còn nhỏ, thời thiếu niên và cả khi trưởng thành để thêm phần khẳng định về sự tệ hại của bản thân mình. Hắn sẽ kể cho bạn nghe về việc làm vỡ kính cửa sổ và bị phạt đòn khi còn nhỏ, hay việc vi phạm pháp luật và làm cho mẹ mình khóc khi còn ở tuổi thiếu niên. Thậm chí hắn còn bịa ra chuyện rằng mình chơi đồ, nhậu nhẹt bê tha. Hắn ta tin rằng việc cố hết sức che đậy đi những điều xấu cố hữu của bản thân là cách duy nhất để có được hạnh phúc trong cuộc sống. Hắn biết mọi người sẽ không tin vào “nhân cách” Nice Guy của hắn, nhưng hắn cũng không có lựa chọn nào khác.

Loại thứ hai là loại “Nice Guy tốt đẹp”. Loại này thường kiểm soát sự mặc cảm bản thân bằng cách trấn áp cái niềm tin về sự vô dụng của chính mình. Hắn sẽ cố thuyết phục rằng hắn là một người tốt đẹp nhất mà bạn từng biết. Nếu hắn có khuyết điểm gì đó, hắn sẽ xem như nó chỉ là tiểu tiết và có thể dễ dàng sửa đổi. Khi còn bé thì hắn không phải là một đứa nhóc mơ mộng, thời niên thiếu thì hắn không bao giờ mắc sai lầm, đến khi lớn lên thì lại là một người đúng chuẩn trong mọi quy tắc. Loại Nice Guy này đã chôn vùi niềm tin rằng mình “không ổn” vào sâu trong tiềm thức của hắn. Hắn che đậy sự mặc cảm vô lý về bản thân với một niềm tin rằng với những việc tốt mình đã làm, hắn đã là một người tốt đẹp. (Thực tế thì không có ai hoàn hảo cả, không phải cứ làm vài việc tốt thì bạn là người tốt – ND).

Mặc dù 2 loại Nice Guy này có sự khác nhau trong việc nhìn nhận sự mặc cảm vô lý đối với bản thân, nhưng họ vẫn có điểm chung rất lớn: tất cả Nice Guy đều tin rằng họ chưa bao giờ ổn cả, vì vậy họ phải che đậy khuyết điểm và cố sống theo tiêu chuẩn của người khác.

Tôi nêu những đặc điểm cụ thể của 2 loại Nice Guy nhằm giúp họ hiểu bản thân hơn. Họ thực sự không tốt(hay xấu) như họ tưởng. Họ chỉ là những tâm hồn bị tổn thương bởi góc nhìn sai lệch đối với tuổi thơ của mình.

Bài thực hành #3

Thật bất khả thi để liệt kê ra hết những nhân tố có thể khiến một cậu trai tìm cách che đi khuyết điểm bản thân và tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Tôi cũng không nghĩ rằng việc những Nice Guy kể ra hết những trải nghiệm khiến tệ hại là cần thiết. Nhưng tôi cho rằng việc biết rõ cốt lõi của sự việc sẽ giúp chúng ta có cách xử lý tốt hơn.

Hãy đọc lại câu chuyện của Alan, Jason và Jose để xem bạn có nét tương đồng nào không. Sau đó hãy viết ra những “thông điệp” của gia đình đã khiến bạn thấy rằng sống đúng với bản chất là điều không ổn. Hãy chia sẻ với một người mà bạn tin tưởng. Đừng quên nói cho họ biết cảm giác của bạn.

Mục đích của bài thực hành này là giúp bạn biết rõ hơn, chứ không phải đổ lỗi cho những trải nghiệm không vui. Đổ lỗi chưa bao giờ là một giải pháp tốt cả, thay vào đó hãy liệt kê rõ ràng những trải nghiệm khiến bạn cảm thấy việc sống đúng bản chất là sai. Hành động này sẽ khiến bạn nhìn nhận lại kĩ hơn về chúng và tìm ra giải pháp.

Thế hệ Baby Boom và những gã trai nhạy cảm.

(Baby Boom là một thuật ngữ dùng để chỉ những người sinh từ năm 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến II – ND)

Đứa trẻ nào cũng từng trải qua cảm giác bị bỏ rơi. Trẻ con cũng có vô số cách hiểu và phản ứng lại với những trải nghiệm này. Như đã nói ở trên, trở thành Nice Guy chỉ là một trong vô số khả năng có thể xảy ra đối với một đứa trẻ. Tuy nhiên, với số lượng Nice Guy mà tôi từng gặp, thì những trải nghiệm tuổi thơ không tốt đẹp chưa phải là tác nhân đủ lớn để tạo ra họ.

Tôi không do dự khi nói rằng ngoài kia luôn tồn tại những gã Nice Guy, xã hội có đầy rẫy những gã nhu nhược và ảo tưởng về cuộc sống của mình. Không thiếu những tên “con trai cưng” (Mama’s boy) hay những gã chồng nhu nhược đang đâu đó ngoài kia. Tôi tin rằng nhiều cậu bé sinh ra đã có tính cách ôn hòa và rộng lượng và lớn lên cũng trở thành những người đàn ông với tính cách như vậy. Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với vô số gã đàn ông, tôi tin rằng số lượng nhiều một cách “khủng khiếp” những tên Nice Guy này được tạo ra là do sự kết hợp của các động lực xã hội khác nhau trong 5 thập kỷ qua.

Để hiểu rõ hơn về sự phổ biến của Hội chứng Nice Guy, chúng ta phải kể đến một loạt những thay đổi lớn trong xã hội bắt đầu từ khoảng đầu thế kỉ và tăng nhanh sau Thế chiến thứ 2. Những động lực xã hội góp phần vào sự phổ biến của Hội chứng Nice Guy này bao gồm:

● Sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp.

● Sự di cư của người dân từ vùng nông thôn lên thành thị.

● Sự thiếu vắng hình bóng của người cha trong các gia đình.

● Số lượng các cuộc ly hôn, gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân, gia đình do phụ nữ làm chủ tăng cao.

● Hệ thống giáo dục được điều khiển bởi phụ nữ.

● Các phong trào nữ quyền.

● Chiến tranh Việt Nam.

● Cách mạng giới tính.

Đây là những sự kiện đã tạo nên ảnh hưởng to lớn lên thanh thiếu niên Mỹ thời bấy giờ. Những sự biến chuyển xã hội này đã tạo ra 3 tác động góp phần nhân rộng thứ “dịch bệnh” Nice Guy này đến với thế hệ Baby boom:

1. Những đứa bé bị tách khỏi bố của mình và những hình mẫu nam tính khác (ông, cậu, chú…). Việc này đã khiến nam giới không có sự liên kết với nhau, và những đứa bé này không biết sự nam tính thực thụ là như thế nào.

2. Việc dạy dỗ con trai rơi vào tay phụ nữ. Những bà mẹ nay phải chịu trách nhiệm nuôi dạy con trai mình thành những người đàn ông trưởng thành (trong khi phụ nữ thì làm sao hiểu hết được về đàn ông? – ND) và hệ thống giáo dục cũng bị “thôn tính” bởi phụ nữ. Việc này làm cho định nghĩa về đàn ông bị bóp méo, những đứa bé này dần dần bị “tẩy não” và phụ thuộc vào sự công nhận của phụ nữ.

3. Chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến ngầm ngụ ý rằng đàn ông là “xấu xa” và “không cần thiết”. Những thông điệp này của họ khiến nhiều gã đàn ông càng tin rằng nếu họ muốn được quý trọng thì họ phải sống dựa trên tiêu chuẩn của phụ nữ. Nhiều gã coi việc này có nghĩa là họ phải che đậy đi những khía cạnh có thể khiến họ bị coi là một gã đàn ông tồi.

Lịch sử thế kỉ 20

Sau đây là những nhận định chung về việc làm thế nào mà những biến đổi xã hội nửa cuối thế kỉ 20 đã tạo nên một lượng lớn những gã Nice Guy.

Sự thiếu vắng hình bóng của những người bố

Sự biến chuyển thành một xã hội sản xuất và sự di cư đến thành thị trong những năm sau chiến tranh đã kéo những người bố rời xa khỏi con trai mình. Thống kê của Cục điều tra dân số Hoa Kì cho thấy vào năm 1910, 1/3 các hộ gia đình sống ở nông thôn. Đến 1940 thì con số này đã sụt giảm chỉ còn 1/5, và đến năm 1970 thì có đến 96% hộ gia đình sống tại thành thị.

Trong một xã hội nông nghiệp, những đứa con trai được làm việc và tương tác với bố tại các cánh đồng, đôi khi còn có cả họ hàng bao gồm các ông, các chú và những người anh em họ. Sự tương tác hàng ngày với những người đàn ông này tạo nên cho chúng một hình mẫu của sự nam tính. Chúng học được “thế nào là đàn ông” thông qua việc quan sát bố mình, giống như ông đã từng làm đối với ông nội. Sự di cư từ vùng nông thôn đến thành thị hay ngoại ô thành thị sau Thế chiến thứ 2 đã làm cho mối liên kết giữa những người bố và con trai mình bị sụt giảm nghiêm trọng. Những ông bố phải rời đi làm vào mỗi buổi sáng, và nhiều đứa trẻ sẽ không được quan sát bố mình làm việc.

Những ông bố dần dần vô dụng theo nhiều cách. Chứng nghiện công việc, TV, rượu và tình dục đã đẩy họ ra xa khỏi con trai mình. Sự gia tăng các vụ ly hôn bắt đầu khiến những đứa con trai bị tách khỏi bố của mình. Thống kê cho thấy rằng tỷ lệ ly hôn ở nam giới tăng gấp ba lần từ năm 1940 đến năm 1970. Vào năm 1940, chỉ có hơn 5 triệu gia đình được làm chủ bởi phụ nữ, nhưng đến năm 1970 thì con số này đã tăng gần 3 lần thành 13 triệu gia đình.

Nhìn chung, những gã Nice Guy tôi từng làm việc cùng thường không có mối quan hệ khắng khít với bố lúc còn nhỏ. Đôi khi đấy là do bố của họ dành quá nhiều thời gian cho công việc, hoặc là không quan tâm chăm sóc họ đúng mức. Các Nice Guy cũng thường nói về bố mình theo hướng tiêu cực, họ thường miêu tả bố là người thích kiểm soát, nóng tính, thường xuyên vắng mặt, nghiện ngập hay lăng nhăng. Vậy nên không có gì bất ngờ khi các Nice Guy thường muốn mình phải khác với bố.

Sự thiếu vắng của người bố trong thời gian này khiến các bà mẹ phải đảm đương trọng trách của chồng mình, họ phải chịu trách nhiệm cho việc nuôi dạy con trai mình thành những người đàn ông. Thật không may rằng ngay cả những bà mẹ thông thái nhất cũng không thể nào biết cách dạy con mình làm thế nào để trở thành đàn ông thực thụ, thế nhưng họ vẫn cố làm việc này.

Tôi tin rằng những người mẹ chính là tác giả tạo ra những gã Nice Guy ở thập niên 40, 50 và 60, những người này đã dạy con mình “cách để làm đàn ông”. Điều này đã khiến nhiều gã Nice Guy tiếp nhận tiêu chuẩn của sự nam tính từ phụ nữ (mà lẽ ra tiêu chuẩn này phải được đặt ra bởi đàn ông) và thoải mái để cho phụ nữ áp đặt tiêu chuẩn về đàn ông của họ lên bản thân.

Hệ thống giáo dục bị phụ nữ “thôn tính”.

Hệ thống giáo dục hiện đại cũng đã góp phần vào việc những đứa bé trai bị nuôi dạy bởi phụ nữ. Kể từ khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, tất cả bé trai phải học tại các ngôi trường có giáo viên nữ chiếm đa số (vì đàn ông đều phải tham gia chiến tranh). Đối với chúng, những “bài học” vỡ lòng mà chúng được dạy chính là cách phục tùng phụ nữ. Từ mẫu giáo cho đến lớp 6 thì chúng chỉ được dạy bởi duy nhất một giáo viên nam, còn lại là 6 giáo viên nữ. Nếu xét theo tiêu chuẩn giáo dục quốc gia, thì điều này có vẻ như không có gì là bất thường cả.

Số lượng giáo viên nam chỉ chiếm 1/4 so với tổng số giáo viên trên toàn quốc. Tại cấp tiểu học, họ chỉ được dạy khoảng 15% số tiết học của bọn trẻ, và con số này vẫn đang bị cắt giảm đều đặn. Từ lúc ở nhà trẻ cho tới lúc học mẫu giáo và rồi vào tiểu học, xung quanh các cậu bé trong thời hậu chiến này chỉ toàn là bóng hình phụ nữ (vì bố của chúng bận phải đi làm). Có rất ít những người đàn ông ở bên cạnh và dẫn dắt chúng vào giai đoạn này. Và khi một cậu nhóc vốn đã bị tách khỏi bố mình và bị tẩy não về việc phục tùng phụ nữ từ trước, thì hệ thống giáo dục lúc bấy giờ chỉ làm cho tình trạng của đứa bé ngày càng tệ thêm.

Chiến tranh Việt Nam.

Trong thập niên 60, Chiến tranh Việt Nam đã gây nên sự xa cách (cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) giữa những đứa bé trai với bố của mình. Những đứa con trai đã đứng lên và phản đối lại cuộc chiến tranh được bắt đầu bởi chính cha của chúng. Các ông bố cựu chiến binh đã không thể hiểu nổi sự nổi loạn của các cậu con trai. Thế hệ trẻ này đã trở nên đối lập hoàn toàn với cha mình, và chống lại việc sử dụng vũ trang để giải quyết các vấn đề trong nước cũng như quốc tế. Và thế là loại đàn ông yêu chuộng hòa bình và ghét việc xung đột đã được sinh ra bởi phong trào phản chiến.

Phong trào giải phóng phụ nữ. (Nữ quyền)

Cùng vào khoảng thời gian này, nhiều phụ nữ cũng bắt đầu ra ngoài để làm việc. Các phương pháp kiểm soát sinh đẻ đã trao cho họ sự “tự do”, và phong trào giải phóng phụ nữ cũng đang nhen nhóm vào lúc này. Một số người mẹ đã nhìn thấy trước được sự thay đổi trong vai trò giới tính, nên họ đã “chuẩn bị” trước. Họ bắt đầu dạy con gái mình tư tưởng “không cần đến đàn ông”, đồng thời nuôi dạy con trai phải khác với bố, chúng phải trở thành những gã nhẹ nhàng, rộng lượng và sẵn sàng phục tùng phụ nữ.

Phong trào nữ quyền cấp tiến những năm thập niên 60 và 70 đã thể hiện rõ thái độ chán ghét đàn ông. Một số nhà nữ quyền đổ lỗi cho đàn ông là nguyên nhân của mọi vấn đề trên thế giới này, số khác lại khẳng định rằng đàn ông chỉ là thứ “phiền toái”. Nhiều khả năng phần lớn phụ nữ trong thời kì này không hề có những suy nghĩ như vậy, nhưng một số lượng nhất định phụ nữ “hận thù” đàn ông là đủ để khiến nhiều gã tin rằng việc sống đúng với bản chất là sai trái.

Những khẩu hiệu như “men are pigs” hay “all men are rapists” xuất hiện nhan nhản trong thời gian này. Một số khẩu hiệu khác ít tiêu cực hơn thì lại châm biếm đại loại như “phụ nữ cần đàn ông như cá cần có xe đạp” (a woman needs a man like a fish needs a bicycle). Những gã vốn dĩ đã phục tùng và thèm khát sự công nhận của phụ nữ đã rất sốc khi thấy những biểu ngữ này. Chúng như động lực thúc đẩy những gã này tìm hiểu thêm về phụ nữ và cố làm hài lòng họ nhằm nhận được sự quý mến và tôn trọng.

Soft Males và Boy-Men (Đực rựa mong manh).

Tác giả Robert Bly – người viết nên tác phẩm Iron John, đã nói về việc những biến đổi xã hội đã tạo ra một “giống” đàn ông mới trong thời kỳ Baby Boom tại Mỹ. Ông gọi những người này bằng cụm từ “soft males”.

“Họ là những người rất tuyệt vời và đáng quý – tôi thích họ – những người này không có hứng thú trong việc tàn phá đất mẹ hay là gây chiến tranh. Họ luôn lịch thiệp cả về bản chất lẫn cách sống, nhưng những gã này thường không cảm thấy vui vẻ gì. Bạn có thể dễ dàng thấy được là trông những gã này rất thiếu sức sống. Trớ trêu thay, bạn thường thấy những gã này bên cạnh những người phụ nữ có năng lượng rất cao. Chúng ta có một gã trai “hoàn hảo”: tinh tế, thấu hiểu, vượt trội về mặt sinh học so với đời trước (cao to hơn, khỏe hơn..), nhưng hắn chả thực sự đóng góp được gì.”

Ở một góc nhìn khác, Camille Paglia bình luận về sự biến chuyển của xã hội trong vòng 5 thập kỷ qua đã thay đổi vai trò của đàn ông và phụ nữ như thế nào. “Người phụ nữ sau một ngày làm việc mệt mỏi buộc phải kiềm chế tính khí của mình lại khi họ quay về nhà. Cô ta phải cố kiềm chế, hoặc là cô ta sẽ phá tan mọi thứ trong nhà.

Để không phải chịu đựng viễn cảnh tiến thoái lưỡng nan này (kiềm nén thì khó chịu, đập phá thì toang cái nhà :))) ), nhiều phụ nữ trung lưu quyết định tìm một gã trai ngoan ngoãn như 1 đứa con trai trong gia đình mẫu hệ (con trai thường không có tiếng nói trong chế độ mẫu hệ) để cặp kè và dễ bề sai bảo.”

Bất kể chúng ta gọi những gã này là gì đi nữa – “soft males”, “những gã nhạy cảm”, hay “Nice Guys”, thì sự kết hợp của các sự kiện xã hội trong thời kỳ sau Thế chiến thứ 2 đã củng cố và phóng đại những “thông điệp” mà nhiều đứa bé trai đã được gia đình của mình truyền tải – rằng chúng chưa bao giờ là ổn cả. Những sự kiện xã hội này như đã “đổ thêm dầu vào lửa” cho niềm tin ngu muội rằng nếu chúng muốn được yêu thương và có một cuộc sống tốt đẹp, chúng phải học cách che giấu đi khuyết điểm của bản thân và sống theo tiêu chuẩn của người khác (đặc biệt là phụ nữ).

Quan sát của tôi trong những năm gần đây đã dẫn đến kết luận rằng không chỉ thế hệ BaBy Boom bị tác động bởi những thứ biến động xã hội vừa được nêu trên, mà ngay cả thế hệ trẻ bây giờ. Ngày càng nhiều những gã trai chỉ mới đôi mươi, thậm chí cả những thằng nhóc tuổi teen có những đặc điểm của Hội Chứng Nice Guy. Những gã trẻ tuổi này không chỉ bị những biến động xã hội ảnh hưởng, mà họ còn lớn lên trong những gia đình bố mẹ đơn thân, hoặc có một người bố là Nice Guy. Khi viết những dòng này, tôi cho rằng chúng ta chỉ mới bắt đầu với thế hệ Nice Guy thứ ba.

Những tập tính của lũ đàn ông vô tích sự bên ngoài.

Bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ gia đình và xã hội đã được nêu trên, những gã Nice Guy thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và tình cảm. Vì chính những mặc cảm vô lý đối với bản thân và thứ cơ chế sinh tồn ngu ngốc, cuộc đời của những gã này là một sự bế tắc và vô định. Thật tệ hại, nhưng thay vì thử làm gì khác thì những gã đần này cứ cố gắng lặp lại những thất bại vô ích với hi vọng mình sẽ thành công.

Tôi thường nói với mấy gã Nice Guy rằng “Nếu anh cứ lặp lại những gì mà anh đã thất bại một cách vô ích, thì thứ đang chờ anh vẫn chỉ là thất bại mà thôi”. Để làm rõ hơn những điều tôi đã trình bày, thì đây là những điều mà các Nice Guy thất bại thường làm:

● Tìm kiếm sự công nhận của người khác.

● Tìm cách che giấu khuyết điểm của bản thân.

● Đặt nguyện vọng của người khác lên trên nguyện vọng của chính bản thân.

● Từ bỏ sức mạnh nguyên thủy của bản thân và đóng vai nạn nhân.

● Tuyệt giao với những cá thể đực khác và từ bỏ sự nam tính của bản thân.

● Tạo dựng các mối quan hệ không đáng có.

● Tạo dựng các tình huống dẫn đến những lần quan hệ tình dục không như ý.

● Không phát huy hết tiềm năng của bản thân.

7 chương tiếp theo sẽ là kế hoạch để các Nice Guy có thể thay đổi bản thân một cách hiệu quả. Hãy đọc thật kĩ, đã đến lúc bắt đầu một cuộc sống mới và đạt được những thứ bạn muốn!

==============================