“Đôi khi người ta nói rằng Vẻ Đẹp chỉ là bề ngoài. Có thể là như vậy. Nhưng ít nhất nó không quá hời hợt như Tư Tưởng. Đối với tôi, Vẻ Đẹp là sự kỳ diệu của những điều kỳ diệu. Chỉ những người nông cạn mới không đánh giá qua vẻ bề ngoài.” Oscar Wilde, The Picture of Dorian Gray.
Mọi người đều đã nghe qua những câu nói kinh điển,“Đừng đánh giá một cuốn sách qua trang bìa” ; “Đừng đánh giá mọi người qua vẻ bề ngoài của họ“. Nếu cần thiết, hãy phán xét mọi người qua những gì trong trái tim họ. Đây là một ý tưởng ấm áp, dễ thương: Không ai có thể kiểm soát được diện mạo của mình và việc họ trông như thế nào không liên quan gì đến con người thật của họ. Thuyết phục người khác đừng đánh giá qua vẻ bề ngoài có nhiều lợi ích: nó khiến bạn có vẻ tử tế và nhấn mạnh sự sâu sắc của bạn. Bằng cách nào đó, bạn vượt lên bản năng của mình, bỏ qua những cái ‘hời hợt’ và nhìn thấu lòng người.
Trong bộ phim hài Shallow Hal năm 2001, Jack Black đóng vai Hal Larsen, người bị ám ảnh bởi vẻ đẹp hình thể. Sự hời hợt của Hal khiến life coach Tony Robbins kinh hoàng. Robbins kết thúc bằng việc dùng chung thang máy với Hal. Robbins thôi miên Hal để anh ta chỉ có thể nhìn thấy vẻ đẹp bên trong của con người. Nếu là người tốt thì họ sẽ hấp dẫn; nếu họ là người khó chịu thì trông thật gớm ghiếc. Theo đó, Hal kết thúc buổi hẹn hò với một phụ nữ trẻ cực kỳ tốt bụng nhưng mắc bệnh béo phì do Gwyneth Paltrow thủ vai. Không thể giải thích được, theo quan điểm của Hal, những chiếc ghế gãy nát dưới thân hình nữ thần “mảnh khảnh” này, cô ả tạo ra những vệt tóe nước lớn tại bể bơi địa phương và có quan điểm tiêu cực kỳ lạ về ngoại hình của chính mình. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng mình giống như Hal lúc bị thôi miên và “Đừng đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó”.
1. Trí Tuệ Của Người Xưa
Mặc dù đạt được các lợi ích xã hội khi tuyên bố rằng mình không đánh giá qua vẻ bề ngoài, nhưng chúng ta gần như chắc chắn làm như vậy, ngay cả trong vô thức. Chúng ta được tiến hóa để làm thế, và việc đánh giá đã có hiệu quả cho đến tận bây giờ. Oscar Wilde (1854-1900) đã châm biếm trong Bức tranh của Dorian Gray, ‘Chỉ những người nông cạn mới không đánh giá qua vẻ bề ngoài’ (Wilde, 2012). Ở nước Anh thời Trung cổ và Cận Đại, không cần phải nói rằng bạn đánh giá qua vẻ bề ngoài. Mặc dù các giả thuyết làm nền tảng cho hệ thống tư duy của họ – chẳng hạn như chiêm tinh học – đều vô dụng, nhưng người xưa đã đúng một phần khi nói đến ‘nhân tướng học’. Nhân tướng học đánh giá tính cách của một người từ vẻ bề ngoài của họ.
Người Hy Lạp cổ đại rất tin tưởng vào việc xem tướng. Aristotle (384-322 TCN) đã viết trong cuốn Prior Analytics rằng, ‘Có thể suy ra tính cách từ các đặc điểm’ (Aristotle, 1989) và nhiều học giả Hy Lạp khác cũng có quan điểm tương tự. Michael Scot (1175-1232), một nhà toán học người Scotland và là một học giả tại triều đình của Hoàng Đế La Mã Thần Thánh, đã viết một luận án uyên bác về chủ đề này (Porter, 2005, trang 122). Trong tác phẩm Canterbury Tales vào cuối thế kỷ 14, tác giả Geoffrey Chaucer (1343-1400) chỉ ra một khoảng trống trên răng cửa vợ của Bath để ám chỉ rằng cô này rất ham muốn tình dục. Reeve thì có thân hình mảnh khảnh, có nghĩa là anh ta ‘choleric’ (nóng tính và cáu kỉnh), trong khi Summoner thì xấu xí vì gã là một người khó chịu (Hallissy, 1995). Nhân tướng học được giảng dạy như một môn tại các trường đại học ở Anh, cho đến khi nó bị cấm bởi Henry VIII (1509-1547) vì có liên quan đến bói toán (Porter, 2005, p.134).
Mặc dù vậy, nó vẫn tiếp tục được chấp nhận rộng rãi trong giới học thuật và văn học. Shakespeare đã sử dụng nó thường xuyên (Baumbach, 2008). Điều này thể hiện rõ nhất trong mô tả của Julius Caesar về Cassius:
Yond Cassius có vẻ ngoài gầy gò và đói khát
Hắn nghĩ quá nhiều. Những người đàn ông như vậy thì nguy hiểm
( ‘Let me have men about me that are fat
Sleek-headed men and such as sleep a-nights
Yond Cassius has a lean and hungry look
He thinks too much. Such men are dangerous’ )
(Julius Caesar, Act I, Scene II).
Bác sĩ Thomas Browne (1605-1682) đã xuất bản cuốn sách Religio Medici vào năm 1643, trong đó ông nhận xét, ‘chắc chắn Nhân Tướng Học tồn tại, và được dùng bởi những người có kinh nghiệm và Bậc thầy Hành khất… Vì trên khuôn mặt của chúng ta có những đặc điểm nhất định, thể hiện linh hồn bên trong một cách thần bí. Nhờ đó, một người không thể đánh vần ABC vẫn có thể đọc được bản chất của chúng ta’ (Browne, 1844, p.102).
Nhân tướng học đã bị mang tiếng xấu chính vì sự liên kết của nó với ‘Các bậc thầy hành khất’, nhưng sau đó nó đã được phổ biến lại bởi học giả người Thụy Sĩ Johan Kaspar Lavater (1741-1801) (Lavater, 1826). Cho đến thời Lavater, mọi người vẫn tin rằng có một số ‘kiểu người chung chung’, với tướng mạo làm cơ sở giúp bạn phân biệt được đó là kiểu người nào: nóng tính (nóng nảy), lãnh đạm (điềm tĩnh), lanh lợi (thường hay thay đổi và khó đoán) hoặc lạc quan. Lavater đã nghiên cứu sâu hơn, lập luận rằng nhân tướng học có thể được sử dụng một cách cụ thể hơn, để phân biệt các đặc điểm tính cách. Nhân tướng học đã được hồi sinh một cách hợp lý và đến thế kỷ 19, nó đã được tiềm ẩn trong nhiều tiểu thuyết, và rõ ràng nhất là trong “Bức tranh của Dorian Gray”, được viết vào năm 1890. Dorian muốn duy trì vẻ đẹp của mình nhưng sống vô đạo đức và theo chủ nghĩa khoái lạc. Theo đó, việc anh ta bán linh hồn của mình để đổi lấy cuộc sống vô đạo đức được phản ánh trong bức chân dung của mình, thay vì trên khuôn mặt và cơ thể vật lý. Hắn vẫn đẹp, trong khi bức chân dung ngày càng trở nên kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, trong nhiều tiểu thuyết khác, thời Victoria, các nhân vật tốt tính đều hấp dẫn về thể chất trong khi các nhân vật phản diện thì xấu xí và dị dạng. Ngoại hình, một lần nữa, là cửa sổ của tính cách (xem các bài luận trong Percival & Tytler, 2005). Thuyền trưởng của The Beagle, Robert Fitzroy, muốn có một ‘chàng trai trẻ năng động’ làm bạn đồng hành lịch lãm trong chuyến hành trình của mình. Bản chất chiếc mũi của Charles Darwin nói với Fitzroy rằng Darwin không thể là người đó. Con gái của Darwin, Henrietta, sau này nói rằng Fitzroy đã ‘quả quyết là không một người đàn ông nào có chiếc mũi như vậy mà lại mang nhiều năng lượng‘. May mắn thay, phần còn lại trên khuôn mặt của Darwin đã bù đắp cho điều này: ‘Trán của ông ấy đã cứu ông ta‘ (trích trong Highfield và cộng sự., 2009).
Và đây là nơi nhà khoa học lịch lãm người Anh Sir Francis Galton (1822-1911) xuất hiện. Nhà thống kê, bác học đa khoa, nhà khoa học xã hội, nhà di truyền học nguyên sinh, nhà phát minh, nhà khí tượng học, nhà địa lý học và thậm chí là nhà thám hiểm nhiệt đới, Galton là người đàn ông thời Phục Hưng. Nếu có một niềm tin vẫn chưa được chứng minh hoặc bác bỏ một cách khoa học, Galton sẽ bị lôi cuốn vào việc chứng minh hoặc bác bỏ nó (Bulmer, 2004). Do đó, nhân tướng học đã mê hoặc ông. Năm 1878, Galton đăng một bài báo trên tạp chí Nature, trong đó ông trình bày những phát hiện của mình. Ông đã phát triển một hệ thống các bức ảnh tổng hợp trong đó nhiều khuôn mặt được chồng lên nhau bằng cách sử dụng nhiều lần phơi sáng. Điều này cho phép Galton tạo ra những hình ảnh đại diện cho những người có các phẩm chất nhất định, chẳng hạn như xinh đẹp, tội phạm hoặc bệnh tật. Kết quả là có những bức ảnh khác biệt, ví dụ, ngụ ý rằng bọn tội phạm có đặc điểm khuôn mặt khác với phần còn lại của dân số.
Thật không may, nhân tướng học đã trở nên gắn liền – và có lẽ, vẫn còn gắn liền – với tướng số học. Được tiên phong bởi nhà khoa học người Đức Franz Josef Gall (1758-1828), đây là niềm tin rằng bản chất tính cách một người có thể được phân biệt bằng những khác biệt nhỏ trong hình dạng hộp sọ. Vì não là một cơ quan và các phần khác nhau của não có các chức năng khác nhau, nên có vẻ như các vết lồi hoặc lõm trong hộp sọ sẽ phản ánh các đặc tính tương tự trong não. Như vậy, mọi người có thể ‘sờ thấy cục u’ và nó sẽ tiết lộ rất nhiều điều về bản chất tính cách của họ; mặc dù dựa trên kiến thức rất hạn chế của thế kỷ 19 về các mô-đun não. Ngành Phrenology trở nên cực kỳ phổ biến vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, với sự thành lập của các hội nghiên cứu về tướng học, trong đó có một hội quan trọng ở Edinburgh (xem de Giustino, 2016). Hiệp hội Sinh vật học Edinburgh được thành lập bởi luật sư người Scotland George Combe (1788-1858), người đã khẳng định, ‘bộ não là cơ quan của tâm trí; rằng bộ não là một tập hợp gồm nhiều phần, mỗi phần phục vụ một chức năng thần kinh riêng biệt; và rằng kích thước của cơ quan thuộc về não, caeteris paribus là một chỉ số về sức mạnh hoặc năng lượng của chức năng’ (trích dẫn trong Fodor, 1983, trang 131). Không ngạc nhiên, phrenology đã bị vạch trần. Nhân tướng học cũng bị vạ lây vì có sự liên kết.
2. Không Phải Bởi Màu Da Của Họ
Một vấn đề khác mà nhân tướng học phải giải quyết là những hậu quả khó chịu khi đánh giá con người qua vẻ bề ngoài liên quan đến ‘chủng tộc’. Điều này rõ ràng nhất trong trường hợp của Đức Quốc Xã. Họ cố gắng xóa sổ chủng tộc mà họ coi là đối thủ cạnh tranh chính với chủng tộc mình. Đức Quốc xã đã đo các đặc điểm trên khuôn mặt để xác định nguyên mẫu ‘Người Do Thái’ so với ‘Aryan’, khiến việc đo lường các đặc điểm trên khuôn mặt cho bất kỳ mục đích rộng lớn nào trở thành một cái tên xấu. Nhưng hành động của Đức Quốc Xã là hoàn toàn không liên quan. Như chúng ta sẽ thấy ngay sau đây, nhân tướng học có tác dụng ở hầu hết các trường hợp trong cùng chủng tộc. Chúng ta sẽ sớm xem xét thêm về ‘chủng tộc’ và mối quan hệ của nó với tướng mạo.
Nhưng quan trọng nhất, nếu chúng ta chấp nhận Thuyết Darwin, thì phải tự hỏi: “Tại sao thuật xem tướng không hiệu quả?” Con người là một dạng vượn cao cấp, có họ hàng rất gần với tất cả các loài động vật có vú, chẳng hạn như sư tử. Sư tử cái bị thu hút bởi những con đực có bờm sẫm màu hơn. Điều này là do những chúng có lượng testosterone cao hơn, thể hiện qua màu sắc bờm, do đó hung dữ hơn và có nhiều khả năng chiến thắng trong các trận chiến hơn. Xem tướng mạo đúng với sư tử (West & Packer, 2002). Sẽ thật lạ nếu nó lại không chính xác với con người.
Nhưng trước khi chứng minh rằng nó có tác dụng, chúng ta nên làm rõ các thuật ngữ chính. Tôi đã định nghĩa chi tiết các thuật ngữ này trong cuốn sách The Genius Famine (Dutton & Charlton, 2015). Vì vậy, những ai đã đọc cuốn sách đó có thể muốn bỏ qua phần này vì phần lớn nội dung giống hệt như trong The Genius Famine.
3. Trí Thông Minh
Chính ‘trí thông minh’ và tính cách là thứ mà nhân tướng học cố gắng phân biệt từ vẻ bề ngoài của mọi người. Nhưng làm thế nào để chúng ta định nghĩa những từ này? Trí thông minh đề cập đến khả năng giải quyết các vấn đề nhận thức một cách nhanh chóng. Bạn càng thông minh, bạn càng giải quyết vấn đề nhanh hơn và khó bỏ cuộc, rút lui hơn.
Trí thông minh được đo bằng các bài test IQ. Điểm kiểm tra IQ thời thơ ấu sẽ dự đoán nhiều điều quan trọng: trí thông minh cao hơn dự đoán trình độ học vấn, địa vị kinh tế xã hộ, lương bổng, sức khỏe tốt hơn, tham gia các hoạt động công dân nhiều hơn, ít bốc đồng hơn, bản tính đáng tin cậy hơn, trí tuệ cảm xúc cao hơn và tuổi thọ dài hơn; trí thông minh thấp hơn dự đoán mức độ tội phạm cao hơn và định hướng tương lai ngắn hạn hơn (Jensen, 1998). Một số người tranh luận về một định nghĩa rộng hơn hoặc nhiều định nghĩa hơn về trí thông minh. Đặc biệt, họ thúc đẩy khái niệm ‘trí tuệ cảm xúc – EQ’. Nhưng không cần phải tách biệt EQ khỏi ‘trí thông minh’ như tôi đã định nghĩa ở đây. Khả năng giải quyết các vấn đề xã hội – chẳng hạn như xung đột giữa con người với nhau – đã được chứng minh là có thể được quyết định bởi trí thông minh với sự tương quan ở mức 0,3 (Kaufman và cộng sự, 2011), một phát hiện được coi là ‘có ý nghĩa về mặt thống kê – statistically significant’. ‘Có ý nghĩa – Significance‘ trong nghiên cứu khoa học có nghĩa là dựa trên kích thước mẫu thử, mối quan hệ giữa hai biến số – chẳng hạn như ‘trí thông minh’ và ‘giải quyết các vấn đề xã hội’ – không phải là kết luận dựa trên sự may rủi. ‘Sự tương quan – Correlation‘ đề cập đến mối quan hệ giữa hai biến; mức độ mà cái này dự đoán cái kia. Nếu ‘sự tương quan’ là 1, chúng dự đoán hoàn hảo về nhau, tương quan 0,1 nghĩa là chúng chỉ liên quan một cách yếu ớt và nếu tương quan -0,9 thì chúng dự đoán rất tiêu cực về nhau; đây là một “mối tương quan ở mức âm“. Mối tương quan được coi là “có ý nghĩa thống kê” nếu có thể chắc chắn ít nhất 95% đó không phải sự ngẫu nhiên. Chỉ khi mối tương quan là “có ý nghĩa thống kê” thì các nhà khoa học mới chấp nhận rằng nó có thật.
(ND : Các bạn nên nắm rõ phần bôi đen bên trên vì sẽ gặp trong sách này nhiều lần, các mức điểm đánh giá sự tương quan trong các nghiên cứu thống kê)
Trí thông minh được đo bằng các bài kiểm tra IQ (Intelligence Quotient). Chúng đo ba dạng trí thông minh: ngôn ngữ, số (toán học) và không gian (hình học). Một số cá nhân ghi điểm cao hơn ở dạng trí thông minh này so với dạng khác và hiếm khi họ có số đo trên trung bình ở dạng này và dưới trung bình ở một dạng khác – nhưng nhìn chung, trong các nghiên cứu nhóm, tất cả các số đo khác nhau về khả năng nhận thức đều cho ra sự tương quan ở mức dương. Người ta luôn thấy rằng, nội trong các nhóm và giữa các nhóm, kỹ năng cao trong một nhiệm vụ này đi liền với trình độ cao trong các nhiệm vụ khác. Mối tương quan tích cực giữa các biện pháp này mở đường cho chúng ta nói về một ‘yếu tố chung’ làm nền tảng cho tất cả chúng. Yếu tố cơ bản này được gọi là ‘g’ cho ‘general intelligence – trí thông minh chung’ (Jensen, 1998).
Trí thông minh tăng lên trong suốt thời thơ ấu và giảm dần từ tuổi trung niên trở đi. Như vậy, IQ là một thước đo so sánh – so sánh cá nhân với một mẫu nhóm cùng độ tuổi. Chỉ số IQ thể hiện vị trí của một cá nhân trong thang điểm từ thấp đến cao, tính theo nhóm tuổi. Chỉ số IQ trung bình là 100, thường được so sánh với mức trung bình của dân số nước Anh. Những con số lớn hơn là trí thông minh trên mức trung bình và những con số thấp hơn là dưới mức trung bình. Điều này được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm dựa trên đường cong phân phối chuẩn với độ lệch chuẩn là 15 điểm IQ. Vì vậy, chỉ số IQ trên 120 là xấp xỉ nằm trong top 10% dân số; và 130 là trong top 2%.
Kết quả của các bài kiểm tra IQ có mối tương quan chặt chẽ với các thước đo khác về khả năng tư duy, chẳng hạn như bài tập ở trường, trong đó mối tương quan ở mức 0,7 (Jensen, 1998) và chúng không chỉ bị ảnh hưởng bởi văn hóa (Jensen, 1998). Bài kiểm tra IQ có hiệu lực mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, bởi vì các nền văn hóa (hoặc các nền văn hóa phụ, tiểu văn hóa) đạt điểm kém trong các bài kiểm tra IQ sẽ đạt điểm ít kém nhất trong các phần thiên về văn hóa nhất trong bài test và cũng bởi vì kết quả IQ tương quan tích cực với một mục tiêu khách quan– tức là với sự khác biệt về thời gian phản ứng đơn giản – tốc độ bạn nhấn công tắc khi đèn bật sáng (Jensen, 1998). Mối tương quan tích cực giữa trí thông minh và thời gian phản ứng có nghĩa rằng IQ là một chỉ số tốt cho thấy hệ thần kinh đang hoạt động ổn.
Như đã lưu ý, trí thông minh là một yếu tố dự báo quan trọng về thành quả trong cuộc sống. Chỉ số IQ tương quan với thành tích học tập ở mức 0,7, thời gian học tập và thành tích ở bậc đại học là 0,5, thành tích sau đại học là 0,4 và mức lương là 0,3. Nó cũng là một yếu tố dự đoán rõ ràng về tình trạng công việc (Jensen, 1998). Người ta đã phát hiện rằng những người làm nghề ít có tính chọn lọc hơn, như giáo viên và y tá, có chỉ số IQ khoảng 110, trong khi đó là 120 đối với bác sĩ và luật sư, và thậm chí cao hơn đối với những người vươn lên dẫn đầu trong những ngành nghề này (Herrnstein & Murray, 1994). Trong giới học thuật, nghiên cứu sinh PhD về giáo dục có IQ khoảng 117, trong khi về Vật Lý là 130 (Harmon, 1961)
80% trí thông minh phụ thuộc vào di truyền. Do đó, phần lớn trí thông minh của bạn được thừa hưởng từ cha mẹ (Lynn, 2011, tr.101). Yếu tố bên ngoài sẽ bao gồm ăn uống đủ dinh dưỡng và môi trường đủ kích thích trí tuệ trong quá trình lớn lên. Một môi trường có tính kích thích trí tuệ cũng quan trọng không kém, thứ mà những người có trí thông minh cao thường tạo ra cho chính họ. Vì lý do này, trong số những lý do khác, thành phần di truyền của chỉ số IQ trong thời thơ ấu tương đối thấp, vì môi trường của đứa trẻ sẽ phản ánh trí thông minh của cha mẹ nó. Chỉ khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành thì môi trường mới phản ánh trí thông minh của chính nó, dẫn đến thành phần di truyền chiếm 80% (Lynn, 2011).
4. Tính Cách
Về bản chất, tính cách là ‘cách tồn tại chung của chúng ta’. Sự khác biệt về tính cách dự đoán sự khác nhau về cách mọi người sẽ phản ứng trong một tình huống nhất định. Việc đánh giá tính cách thường được đo lường bằng bảng câu hỏi: Một chiếc ô tô đang di chuyển với tốc độ nhất định phải ở gần bạn đến mức nào trước khi bạn đánh giá rằng việc băng qua đường trước mặt nó là quá nguy hiểm? Có bao nhiêu điều phiền phức phải xảy ra với bạn trong một ngày trước khi bạn mất bình tĩnh và lớn tiếng? Cảm xúc của người khác tác động mạnh đến cảm xúc của bạn như thế nào?
Những người khác nhau sẽ đưa ra những câu trả lời khác nhau, một phần là do khác biệt trong tính cách của họ. Thông thường, mọi người được hỏi liệu một hành vi nhất định, thích hay không thích, có hiện hữu nơi họ hay không; hoặc được yêu cầu đánh giá câu trả lời theo thang điểm (từ yếu đến mạnh). Nhiều câu hỏi như vậy có thể được phân tích và tính toán bình quân để đưa ra một vài ‘đặc điểm’ tính cách có xu hướng tập hợp lại với nhau. Các nhà tâm lý học sử dụng số lượng chính xác của những đặc điểm này, phụ thuộc vào mục đích đánh giá tính cách. Con số này có thể chỉ là chỉ một đặc điểm tổng thể chung (ví dụ: thân thiện với xã hội so với sống tách biệt), hoặc hàng chục đặc điểm cụ thể như hung hăng hoặc can đảm – nhưng thông thường, để thuận tiện, số lượng các đặc điểm được sử dụng để mô tả tính cách nằm trong khoảng hai và năm.
Nhiều nhà tâm lý học hiện nay cho rằng tính cách có thể được hiểu tốt nhất theo năm đặc điểm tính cách thiết yếu: Big Five (Xem thêm các bài giảng của Giáo Sư Jordan Peterson về Big Five tại https://keodau.net > english only > Jordan Peterson – Personality )
(1) Hướng Ngoại – Hướng Nội (Extraversion – Intraversion): Hướng ngoại là nhu cầu tìm sự kích thích bên ngoài – đặc biệt là kích thích xã hội. Nó liên quan đến việc cảm nhận những cảm xúc tích cực một cách mạnh mẽ. Hướng nội là độc lập với các kích thích bên ngoài, vì sự kích thích từ bên trong đã là đủ dùng.
(2) Loạn Thần Kinh – Cảm Xúc Ổn Định (Neuroticism – Emotional Stability): Loạn thần kinh liên quan đến sự bất ổn về cảm xúc – đặc biệt là những thay đổi tâm trạng tiêu cực như lo lắng, trầm cảm và nhút nhát.
(3) Tận Tâm – Bốc Đồng (Conscientiousness – Impulsiveness) : Tận tâm đề cập đến việc đáp lại các chuẩn mực xã hội, thường dẫn đến hành vi có tổ chức, tuân theo quy tắc và kỷ luật tự giác. Về bản chất, đó là kiểm soát sự bốc đồng.
(4) Dễ Chịu – Dửng Dưng Với Người Khác (Agreeableness – Indifference To Other People): Dễ chịu thể hiện ở chỗ rất quan tâm đến người khác, họ đang nghĩ gì và họ cảm thấy thế nào. Nói cách khác, đó là lòng vị tha, thấu cảm (altruism)
(5) Sự Cởi Mở Trí tuệ – Không muốn thay đổi (Openness-Intellect – Aversion to change): Cởi mở đề cập đến sự tò mò trí tuệ và ưa thích sự mới lạ, sáng tạo (theo một nghĩa nào đó của từ này), khả năng thôi miên (hypnotisability) và những trải nghiệm tâm lý khác thường. Tính cởi mở tương quan yếu nhưng đáng kể (0,3) với trí thông minh, vì nó có thể đo lường một số thứ giống nhau.
(ND : nắm kỹ bảng Big Five vì sẽ gặp lại nhiều lần trong sách)
Năm đặc điểm tính cách này (ngoại trừ Cởi Mở Trí tuệ) được coi là độc lập với điểm số IQ (ít nhất là trong phạm vi IQ bình thường) và ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử. Ví dụ, khi còn nhỏ, tính Tận Tâm cao dự báo thành công lớn hơn trong giáo dục và việc làm; Loạn Thần Kinh cao dự đoán các vấn đề về tâm trạng thất thường, lo lắng và trầm cảm. Người Cởi Mở Trí Tuệ cao sẽ có xu hướng mơ mộng, yêu thích sự mới lạ, không thực tế, có lẽ là nghệ thuật, học thuật hoặc tâm linh. Tuy nhiên, điểm số cao vừa phải là một yếu tố để dự đoán thành công trong nghệ thuật – liên quan đến việc tạo ra sự mới lạ (Nettle, 2007). Các đặc điểm tính cách 50% (Nettle, 2007) đến 70% là do di truyền (Lynn, 2011).
Big Five được phát triển từ Big Three của nhà tâm lý học Hans Eysenck (1916-1997), người đến Anh quốc từ Đức vào những năm 1930 và trở thành nhân cách quan trọng nhất trong tâm lý học hàn lâm của Anh. Ba yếu tố lớn của Big Three là Hướng Ngoại, Loạn Thần kinh và Tâm thần (Extraversion, Neuroticism and Psychoticism). Trên thực tế, các khía cạnh của Big Five cho Tận Tâm và Dễ Chịu là những mặt đối lập của các khía cạnh khác nhau trong Thuyết Loạn Thần của Eysenck. Tính Cởi Mở lấy một số khía cạnh của Tâm thần học và pha trộn chúng với các hành vi đặc trưng của trí thức hiện đại (Eysenck, 1993). Bên cạnh đó, Eysenck thực sự đã bảo vệ một hệ thống tư tưởng phổ biến thời Trung cổ. Ông lập luận rằng, theo dữ liệu, có một cái gì đó trong chiêm tinh học. Ít nhất, những người được sinh ra dưới các cung sao cụ thể có nhiều khả năng sở hữu tính cách liên quan đến cung sao đó hơn so với dự đoán ngẫu nhiên (Eysenck, 1997, Ch. 7).
Nhiều học giả đã chỉ ra rằng Big Five (và Big Three) đều có mối tương quan với nhau, và do đó tất cả có thể được thu gọn thành một biến số tính cách duy nhất, mà ông gọi là Nhân Tố Chung Của Tính Cách (GFP – General Factor Of Personality) (ví dụ: Van der Linden và cộng sự , 2016; Rushton & Irwing, 2008). GFP có thể được khái niệm hóa như một khía cạnh duy nhất của tính cách – từ ủng hộ xã hội cho đến phi xã hội – làm nền tảng cho các đặc điểm tính cách cụ thể hơn – tương tự như cách “trí thông minh chung” hay “g” làm nền tảng cho tất cả các khả năng nhận thức cụ thể.
Vì vậy, GFP có thể được hiểu như mức độ mà một nhân cách ủng hộ xã hội – nói cách khác, mức độ mà một người nào đó có loại tính cách và hành vi làm nền tảng cho nhiều đặc điểm ưa thích về mặt xã hội, mức độ mà một người gần giống với kiểu người thân thiện, hữu ích, là một ‘hàng xóm tốt’. GFP mô tả một khía cạnh nhân cách cơ bản, những mức độ cao của nó có thể đã phát triển như một sự thích nghi trong các xã hội phức tạp và ổn định để mọi người ‘hòa thuận với nhau’. Vì vậy, một người có GFP cao sẽ hòa đồng, hướng ngoại, quan tâm đến cảm xúc của người khác và tự giác theo đuổi các mục tiêu được xã hội chấp thuận. Người đó cũng có những cảm xúc ổn định và cởi mở với những ý tưởng mới (Rushton & Irwing, 2008).
(ND : Bạn cũng sẽ gặp lại GFP nhiều lần trong sách này)
5. Chủng Tộc Và Nhân Tướng Học
Cuối cùng, chúng ta cần hiểu ‘chủng tộc’ là gì, bởi vì một số đặc điểm thể chất cho phép đưa ra các dự đoán về tâm lý NỘI TRONG các chủng tộc chứ không phải GIỮA các chủng tộc. Tôi cho là độc giả sách này có IQ tương đối cao, vì vậy, sẽ không có phản ứng thái quá nào xảy ra khi thảo luận về chủ đề nhạy cảm này và chúng ta có thể tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, dựa trên logic.
‘Chủng tộc’ là một phân loài trong thế giới động vật: một quần thể sinh sản tách khỏi quần thể khác cùng loài, đủ lâu để tiến hóa trong một môi trường khác nhưng không đủ lâu để không thể sinh con khi giao lưu kết hợp với nhóm kia. Nói cách khác, một chủng tộc là một quần thể sinh sản khác biệt về mặt di truyền với các quần thể khác, do sự cách ly về địa lý, sự tách biệt về văn hóa và chế độ nội hôn (chỉ kết hôn với người trong cùng cộng đồng địa phương), đồng thời có các kiểu tần số kiểu gen đối với một số đặc điểm tương quan so với các quần thể sinh sản khác . Biểu hiện rõ ràng nhất là sự khác biệt về ngoại hình (Dutton & Lynn, 2015). Người ta đã chứng minh được rằng: loài người rơi vào các “cụm di truyền rõ rệt – clear genetic cluster”, tương đương với các ‘chủng tộc’ trong nhân chủng học truyền thống (Jensen, 1998). Vì vậy, khá rõ ràng ‘chủng tộc’ là một thực tế sinh học chứ không phải một loại ‘cấu trúc xã hội’ nào đó.
Một lời chỉ trích về ‘chủng tộc’ là có nhiều sự khác biệt nội trong các chủng tộc hơn là giữa chúng. Vì vậy, bạn có thể lập luận rằng có nhiều sự khác biệt nội trong loài người và nội trong loài tinh tinh hơn là khi đem so con người với tinh tinh. Xét cho cùng, chỉ có 1,5% khác biệt di truyền giữa con người và tinh tinh (Caccone & Powell, 1989). Tôi không nghĩ nhiều người sẽ tranh luận rằng sự khác biệt giữa con người và tinh tinh là vô nghĩa. Chúng ta đang nói về sự khác biệt có tính so sánh. Ví dụ, việc phân chia giữa hai loại chủng tộc cho phép đưa ra dự đoán chính xác về từng loại, ngay cả khi sự khác biệt là nhỏ. Sự khác biệt di truyền (về năng khiếu âm nhạc di truyền) giữa một nhạc sĩ tiêu chuẩn và Mozart có lẽ là khá nhỏ nhưng lại mang đến những kết quả lớn lao. Những khác biệt di truyền rất nhỏ (con người chỉ khác nhau 0,0012%) có thể tạo ra khác biệt đáng kể.
Ngoài ra, như Cochran và Harpending (2009, trang 15) đã lưu ý, có nhiều sự khác biệt về gen nội trong các giống chó hơn là giữa các giống chó, nhưng không ai coi sự khác biệt giữa chó Great Dane (chó to) và Chihuahua (chó nhỏ) là không đáng kể. Hơn nữa, họ lưu ý rằng ‘thông tin về sự phân bố của biến thể di truyền về cơ bản không cho bạn biết gì về quy mô hoặc tầm quan trọng của sự khác biệt về tính trạng . . . Nếu sự khác biệt về di truyền giữa các nhóm, có xu hướng thúc đẩy theo một hướng cụ thể – có xu hướng ủng hộ một xu hướng nhất định – thì chúng có thể cộng hưởng và có tác động lớn’ (xem Dutton và Lynn, 2015, để biết thêm chi tiết về ‘chủng tộc’, đoạn này được đúc kết từ đó).
Rushton (2000) đã chỉ ra rằng nếu chúng ta so sánh các chủng tộc thuộc ‘Big 3’ – người da đen, người da trắng và người Đông Bắc Á – thì sẽ có những khác biệt rõ ràng và nhất quán, với người Đông Á ở một đầu của quang phổ và người da đen ở đầu kia. Vì những khác biệt này đã xuất hiện từ thời thơ ấu, nên đứng vững trước những can thiệp của môi trường và vì di truyền quyết định 50% tính cách và với trí thông minh là 80%, nên chúng là những khác biệt về di truyền. Người Đông Bắc Á đạt điểm cao nhất trong các bài kiểm tra trí thông minh (105), người da đen đạt điểm thấp nhất (85), trong khi người da trắng ở mức trung bình (100) nhưng gần với người Đông Bắc Á hơn. Trong các bài kiểm tra này, người da trắng có trí thông minh ngôn ngữ tốt hơn người Đông Bắc Á nhưng trí thông minh toán học kém hơn nhiều, nghĩa là người Đông Bắc Á có ‘trí thông minh chung’ cao hơn về tổng thể. Những dự đoán thực sự về ‘tính cách’ có thể được đúc kết từ điều này, vì trí thông minh gắn liền với trí tuệ cảm xúc, tính hợp tác, lòng tự tôn (cái tôi) thấp, bản chất đáng tin cậy, định hướng tương lai, tuân thủ luật pháp, trí tò mò, sáng tạo, khả năng lãnh đạo, có ý thức hài hước, có trí nhớ tốt và thậm chí là tốc độ nói (xem Jensen, 1998).
Hơn nữa, Rushton (2000) đã chỉ ra rằng có sự khác biệt chủng tộc trong đặc điểm tính cách, theo cùng một cách. Người Đông Bắc Á có mức độ Dễ Chịu cao nhất, người da đen thấp nhất và người da trắng ở mức trung bình nhưng gần với người Đông Bắc Á hơn. Người da đen có mức độ Hướng Ngoại cao nhất, người Đông Bắc Á thấp nhất và người da trắng ở mức trung bình nhưng gần với người Đông Bắc Á hơn. Người Đông Bắc Á có độ Tận Tâm cao nhất trong khi người da đen thấp nhất, và điều này cũng đúng với mức độ Loạn Thần Kinh.
Theo Mô Hình Lịch Sử Cuộc Sống (Life History Model) về sự phát triển của con người, chúng ta đầu tư năng lượng vào sinh sản hoặc tăng trưởng. Đầu tư nhiều năng lượng hơn vào sinh sản là chiến lược r trong khi đầu tư nhiều hơn vào tăng trưởng (bao gồm nuôi dưỡng con cháu và cạnh tranh với các thành viên khác trong xã hội) là chiến lược K. Tất cả chúng ta ngồi ở đâu đó trong chuỗi r-K.
Một chiến lược r cực đoan sẽ dành cho một người đàn ông giao cấu với càng nhiều phụ nữ hấp dẫn (và do đó, khỏe mạnh) và trẻ (và do đó, mắn đẻ) càng tốt và không đầu tư gì vào con cái. Chiến lược đẻ nhanh đẻ lắm này phát triển trong một hệ sinh thái không ổn định, nơi bạn không thể dự đoán bất cứ điều gì với độ chính xác cao nên bạn sống nhanh và chết trẻ. Khi hệ sinh thái trở nên ổn định hơn, nó sẽ đạt đến khả năng chịu tải tối ưu đối với một loài cụ thể. Như vậy, các thành viên bắt đầu cạnh tranh với nhau và làm điều này bằng cách đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào con cái của mình, để bầy con có thể học cách tồn tại. Môi trường khắc nghiệt nhưng có thể dự đoán được này giúp lựa chọn ra trí thông minh và kiểm soát sự Bốc Đồng. Rushton lập luận rằng chiến lược r-K củng cố sự khác biệt về chủng tộc trong tâm lý học. Người da đen là những người có chiến lược r nhiều nhất vì hệ sinh thái của họ phải chịu sự bùng phát khó lường của các bệnh nhiệt đới và có thời tiết ấm áp bất biến, nghĩa là các nhu cầu cơ bản được đáp ứng. Môi trường của người Đông Bắc Á khắc nghiệt nhưng rất dễ đoán.
Rõ ràng, điều này giúp bạn có thể đưa ra những đánh giá rất sơ bộ về khả năng nhận thức và tính cách từ ngoại hình mỗi chủng tộc. Nhưng nếu kết luận rằng, “Tất cả người da đen đều ngu” thì bản thân bạn cũng rất ngốc. Và nếu bạn là người Nhật, sẽ rất ngớ ngẩn khi phát biểu, ‘Ha, ha! Vì vậy, chúng tôi là tốt nhất!’ Những đánh giá này không chỉ không liên quan mà còn hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì chúng tôi tìm thấy là có ba chủng tộc, mỗi chủng có ba đường cong hình chuông, trong đó mức trung bình là khác nhau. Ví dụ: chỉ số IQ trung bình của người Mỹ gốc Đông Bắc Á là 105, người Mỹ da trắng là 100 và người Mỹ da đen là 85. Trên thực tế, điều này có nghĩa là bạn khó có thể tìm thấy nhiều người Mỹ da đen có chỉ số IQ là 150 hay người Mỹ gốc Nhật có chỉ số IQ là 50. Và sẽ có đủ các loại biến thể ở giữa.
Tương tự, những người tốt nghiệp đại học thường thông minh hơn những người không tốt nghiệp. Do đó, bạn khó có thể tìm thấy những người có chỉ số IQ cực thấp ở trường đại học. Có nhiều yếu tố khác ngoài trí thông minh ảnh hưởng đến việc bạn có vào đại học hay không: tính cách, may mắn, hoặc (đáng buồn thay) do cha mẹ giàu có đủ khả năng chạy chọt cho bạn vào học trường xịn. Vì lý do này, bất cứ ai từng theo học tại một trường đại học danh tiếng của Anh sẽ làm chứng cho sự hiện diện của một số người vô cùng ngu ngốc. Thật vậy, có sự khác biệt lớn về chỉ số IQ trung bình theo lĩnh vực. Về mức trung bình, nghiên cứu sinh Vật lý có chỉ số IQ khoảng 130, trong khi nghiên cứu sinh về giáo dục là 117 (Harmon, 1961). Sự khác biệt là gần 15 điểm, sự khác biệt giữa một giáo viên và một cảnh sát (Herrnstein & Murray, 1994).
Trên thực tế, nếu bạn mắc chứng hoang tưởng và bạn là người Đông Bắc Á, thì việc xa lánh những người da trắng như tôi có thể là điều đáng làm. Tuy nhiên, đây có thể là một chiến lược rất tồi vì mặc dù làm như vậy giúp tránh được một số đối tượng rất nguy hiểm, bạn sẽ bỏ lỡ nhiều người có thể trở thành đồng nghiệp, bạn bè và thậm chí là đối tác tuyệt vời.
6. Giới Tính Và Tuổi Tác
Điều tương tự cũng đúng với giới tính. Trung bình và ở tất cả các nền văn hóa, phụ nữ (so với nam giới) cao hơn ở các chỉ số Hướng ngoại, Loạn Thần Kinh, Tận tâm và Dễ Chịu. Họ cao hơn về khía cạnh thẩm mỹ của Cởi Mở Trí Tuệ nhưng lại thấp hơn về ‘Trí Tuệ’ (Weisberg và cộng sự, 2011). Khi trưởng thành, phụ nữ dường như đạt điểm kiểm tra IQ thấp hơn một chút so với nam giới, họ có trí thông minh toán học và không gian kém hơn nhưng trí thông minh ngôn ngữ tốt hơn và phạm vi thông minh (intelligence range) hẹp hơn (Irwing, 2013). Điều này có nghĩa là có nhiều nam giới rất ngu ngốc hơn, nhưng cũng có nhiều nam giới siêu thông minh hơn, đó có thể là lý do tại sao hầu hết các thiên tài khoa học đều là nam giới (xem Dutton & Charlton, 2015).
Tương tự, tuổi tác là một dấu hiệu tốt về trí thông minh và nhân cách. Con người đạt đến đỉnh cao trí tuệ vào đầu tuổi trung niên (Kirasic, 1989). Nhiều năm trôi qua, họ dần trở nên Tận Tâm, ít Loạn Thần Kinh và Dễ Chịu hơn (những thứ vốn chạm đáy ở tuổi thiếu niên) (Soto và cộng sự, 2011). Rõ ràng, tuổi tác có thể được suy ra một cách hợp lý từ ngoại hình, mặc dù rõ ràng có sự khác biệt đáng kể về tốc độ lão hóa về thể chất (và tinh thần) của con người.
7. Ngoài Hiệu Ứng Nhỏ Giọt
Hãy nói về cách tiếp cận tinh tế hơn so với chủng tộc, giới tính và tuổi tác. Hãy xem xét trong các danh mục này. Chúng ta có thể tìm kiếm các dấu chỉ vật lý (hay tốt hơn nữa là tập hợp các dấu chỉ vật lý di chuyển theo cùng một hướng) ngụ ý những đặc điểm tâm lý nhất định trên tất cả các chủng tộc. Từ góc độ thực tế, chúng ta là động vật xã hội và dành cả đời để đối phó với những người khác. Chúng ta muốn xác định, càng nhanh càng tốt, họ là loại người nào; nhất là trong những tình huống rủi ro cần phải đưa ra quyết định đúng đắn và nhanh chóng. Nói một cách huỵch toẹt, ‘Họ là người tốt hay kẻ xấu? Chúng ta có muốn tương tác với họ hay không? Và nếu làm vậy, chúng ta cần thận trọng như thế nào?’
Tất nhiên, có những cách thuộc xã hội học mà chúng ta có thể làm, nhưng chúng có thể thay đổi nhanh chóng và do đó đòi hỏi bạn phải nắm bắt lẹ tay. Nhà xã hội học người Đức Georg Simmel (1858-1918) đã xác định ‘Hiệu ứng nhỏ giọt (The Trickle-Down Effect)’ (Simmel, 1957). Một phong cách thời trang mới, được tạo ra bởi giới thượng lưu và sau đó chảy xuống xã hội cho đến khi một biến thể nào đó được tầng lớp dưới áp dụng. Trong khi đó, giới thượng lưu đã đổi mới sang một thứ khác và những cái ban đầu không còn gắn liền với họ nữa, trở nên lỗi thời. Ở nước Anh thời cận đại, giới thượng lưu đeo rất nhiều vàng. Điều này giờ đây đã lan xuống tầng lớp dưới ‘chav’ và không ai thuộc ‘tầng lớp trung lưu’ mơ ước được mặc ‘bling’ nữa. Làn da rám nắng từng được gắn liền với những người nông dân trong nông trại. Khi những người lao động này chuyển đến các nhà máy ở các thị trấn công nghiệp đầy khói bụi, họ trở nên gắn liền với hình ảnh của giới thượng lưu, những người có đủ khả năng đi nghỉ ở nước ngoài. Giới thượng lưu chơi trò “nhỏ giọt” và giờ đây, họ được gắn kết với tầng lớp thấp hơn, ở trào lưu làn da ‘rám nắng’ (Hayward & Yar, 2006, để thảo luận về ‘Chavs’)
Có rất nhiều ví dụ khác. Vào những năm 1970, bộ đồ thể thao là một dạng trang phục tương đối ưu tú, gắn liền với xu hướng thời trang chạy bộ mới… Vào thời điểm đó, có một hình xăm là một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng kinh tế xã hội thấp. Nhưng các diễn viên Hollywood sau đó cũng xăm mình và “nhỏ giọt” xuống công chúng. Vào những năm 1980, nhiều người nhận thức rõ rệt là bất kỳ ai có hình xăm đều hơi tinh ranh và nên cẩn thận khi ở gần họ. Thời nay cũng thế thôi, người ta thường cẩn thận khi ở cạnh những người xăm mình, đặc biệt là lũ trẻ trâu ở độ tuổi 20.
Tương tự, ở hầu hết các nước Tây Âu, khả năng nói tiếng Anh từng là dấu hiệu cho thấy ai đó có trình độ học vấn cao và do đó tương đối thông minh. Nhưng trong 40 năm qua, việc sử dụng tiếng Anh đã trở nên phổ biến đến mức nếu bạn dưới 70 tuổi thì việc không nói được (hoặc thậm chí không nói được trôi chảy), đồng nghĩa với trí thông minh thấp và trình độ học vấn kém (Dutton , 2010).
Chúng ta cần một cái gì đó đáng tin cậy hơn các dấu chỉ xã hội học, vốn luôn thay đổi. Thứ đó phải lâu dài, có tác dụng ở mọi nơi trên thế giới; trong mọi nền văn hóa, mọi lứa tuổi và chủng tộc. Đó chính là tướng mạo. Trên thực tế, chúng ta đã tiến hóa để đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, nghĩa là làm như vậy rất có khả năng chính xác bởi vì những người không làm thế sẽ không truyền lại gen của mình. Bằng chứng thực nghiệm đã chỉ ra mọi người thường đánh giá tính cách của người khác qua các đặc điểm trên khuôn mặt (Willis & Todorov, 2006), những đánh giá này được người khác đồng tình (Highfield và cộng sự, 2009) và được thực hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau, ngụ ý mạnh mẽ rằng con người đã phát triển, tiến hóa để làm như vậy.
Hơn nữa, các thí nghiệm chỉ ra rằng các phán đoán đó thực sự đúng, như đã nêu trong một bài báo của New Scientist năm 2009 (Highfield và cộng sự, 2009). Năm 1966, bài báo đưa tin, các nhà tâm lý học tại Đại học Michigan đã tiến hành một thí nghiệm trên 84 sinh viên chưa từng gặp mặt nhau. Họ phải ngồi im lặng hoàn toàn với nhau trong 15 phút và đánh giá nhau về các đặc điểm tính cách của Big 5, chỉ đơn giản là qua ngoại hình. Mỗi người tham gia cũng đã làm một bài kiểm tra tính cách. Đối với ba trong số những đặc điểm này (Hướng Ngoại, Tận Tâm và Cởi Mở) những đánh giá dựa trên ngoại hình của các sinh viên có mối tương quan tích cực đáng kể với kết quả tính cách thực tế (Passini & Warren, 1966). Rõ ràng, sẽ là một thử nghiệm tốt hơn nếu các yếu tố xã hội học, chẳng hạn như quần áo và kiểu tóc được kiểm soát chặt chẽ, nhưng kết quả chắc chắn mở rộng tầm mắt. Theo đó, thí nghiệm được lặp lại bằng cách cho sinh viên xem các bức ảnh mug shot (loại ảnh chụp đằng trước, bên hông khuôn mặt của tội phạm mà cảnh sát hay dùng) và kết quả về tính Hướng Ngoại và Tận Tâm cũng tương tự trước đó. (Little & Perrett, 2007).
Trong cuốn sách ngắn này, chúng ta sẽ hướng đến việc hiểu chính xác những đặc điểm tâm lý nào từ khuôn mặt và cơ thể của một người có thể được dùng để đánh giá và bằng cách nào. Trong Chương Hai, chúng ta sẽ bàn về cơ thể. Trong Chương Ba, chúng ta sẽ tập trung vào đầu và mặt. Ở Chương Bốn, chúng ta sẽ xem xét bàn tay và Chương Năm, những lời chỉ trích về việc hồi sinh nhân tướng học sẽ được mổ xẻ.